Thực hư 'thoả thuận hoà bình 15 điểm' giữa Nga và Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tờ Financial Times (FT) cho biết Mátxcơva và Kiev đang xây dựng “kế hoạch hoà bình 15 điểm”, trong đó các lực lượng Nga sẽ rút lui để đổi lấy cam kết trung lập của Ukraine.
Thực hư 'thoả thuận hoà bình 15 điểm' giữa Nga và Ukraine ảnh 1

Trích dẫn 3 nguồn tin tham gia các cuộc đàm phán, FT cho biết một thoả thuận đang được xây dựng, trong đó Ukraine sẽ cam kết trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không nhận vũ khí nước ngoài và không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ukraine vẫn được phép giữ lại quân đội của mình.

Đổi lại, Nga sẽ ngừng chiến dịch quân sự và rút lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine.

Những người liên quan đến các cuộc đàm phán nói rằng cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine sẽ được đảm bảo một số quyền lợi và được đáp ứng các nhu cầu nhân đạo, mặc dù nhà đàm phán người Ukraine - Mykhailo Podolyak nhấn mạnh Kiev sẽ chỉ đồng ý với điều khoản này nếu “phù hợp với lợi ích của Ukraine”.

Kiev và Mátxcơva hiện chưa lên tiếng về kế hoạch hoà bình 15 điểm. Dù vậy, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 16/3 cho biết hiện “còn quá sớm để tiết lộ bất cứ điều khoản thoả thuận nào”.

Trước đó trong bài phát biểu hôm 15/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận Kiev không có triển vọng gia nhập NATO, và người dân Ukraine phải chấp nhận sự thật này. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục vận động các lãnh đạo phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột.

Phát biểu ngày 16/3, Tổng thống Zelensky nhắc lại lời kêu gọi thiết lập “vùng cấm bay” ở Ukraine, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden và ban lãnh đạo NATO nhiều lần tuyên bố rằng việc này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Trợ lý tổng thống Vladimir Medinsky, người dẫn đầu phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán hoà bình với Ukraine, hôm 16/3 cho biết Kiev đang dần hình thành ý tưởng trở thành một quốc gia trung lập.

“Ukraine đang đề xuất mô hình giống của Áo hoặc Thuỵ Điển về một nhà nước phi quân sự trung lập, nhưng vẫn có lục quân và hải quân riêng”, ông Medinsky nói, đồng thời cho biết thêm rằng “quy mô quân đội Ukraine” cũng là một trong những vấn đề đang được thảo luận.

Ông Medinsky nhắc lại rằng Mátxcơva muốn Kiev công nhận Crimea là một phần của Nga, đồng thời công nhận nền độc lập của 2 nước ly khai tự xưng "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và "Cộng hoà Nhân dân Lugansk".

Ông Medinsky cho biết một số vấn đề quan trọng khác mà Mátxcơva quan tâm là việc “phi phát xít hoá” Ukraine, và quyền bình đẳng của cộng đồng người nói tiếng Nga ở nước này.

“Một số vấn đề có tiến triển, nhưng không phải tất cả”, ông Medinsky nói về các cuộc đàm phán với Kiev.

Bình luận về mô hình trung lập của Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “nó có thể được xem như một sự thỏa hiệp nhất định”.

Tuy nhiên, không lâu sau khi phía Nga đưa ra tuyên bố trên, nhà đàm phán Ukraine Mikhailo Podolyak cho biết Kiev chỉ muốn an ninh của nước này được đảm bảo bởi các lực lượng quốc tế. Ông Podolyak bác bỏ phương án Ukraine áp dụng quy chế trung lập tương tự với Áo hoặc Thụy Điển.

Ông Podolyak kêu gọi xây dựng thỏa thuận an ninh có tính ràng buộc pháp lý, được ký kết bởi các đối tác quốc tế, trong đó yêu cầu họ "không đứng ngoài cuộc trong trường hợp có xung đột ở Ukraine như lúc này".

Ban lãnh đạo Ukraine trước đó cho biết họ sẵn sàng thảo luận về trạng thái trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine phải nhận được "sự đảm bảo an ninh" từ Nga và phương Tây.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.