Thực hư thông tin từ năm học tới đề thi môn Văn sẽ kết hợp 2 hình thức trắc nghiệm và tự luận

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao thông tin từ năm học 2022 - 2023 sẽ có nhiều lớp bắt đầu thực hiện hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan. Lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT mới đây đã lên tiếng về vấn đề này.

Được biết, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ra văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa việc phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ.

Văn bản hướng dẫn cũng nêu rõ, các nhà trường phải đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn. Thay vì để học sinh học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, việc đánh giá môn Ngữ văn phải đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh, xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Văn mẫu đang trở thành vấn nạn bất khả kháng trong giáo dục phổ thông, trói buộc tư duy học sinh trong "chiếc vòng kim cô" trong thời gian qua. Giáo viên dạy Ngữ văn theo khuôn mẫu, thậm chí đổi mới cũng theo… khuôn mẫu.

Thực hư thông tin từ năm học tới đề thi môn Văn sẽ kết hợp 2 hình thức trắc nghiệm và tự luận ảnh 1

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn của giáo viên và học sinh phổ thông xôn xao thông tin đề kiểm tra môn Ngữ văn sẽ chuyển sang hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan từ năm học 2022 - 2023. Và việc này sẽ bắt đầu từ những lớp thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dẫn ở Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT.

Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, phần Đọc hiểu sẽ có nhiều câu hỏi trắc nghiệm nhằm kiểm tra phần nhận biết, thông hiểu và có thêm 2 câu hỏi tự luận ở phần thông hiểu và vận dụng thấp.

Cùng đó, nếu như những năm học trước đây, cấu trúc đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn thường có 4 điểm đọc hiểu và 6 điểm làm văn hoặc 3 điểm đọc hiểu - 7 điểm làm văn thì tới đây, cấu trúc điểm sẽ là 6 (đọc hiểu) - 4 (viết).

Phần “làm văn” trước đây, bây giờ được gọi là phần “viết” sẽ là một bài văn hoàn chỉnh có thang điểm 4/10 điểm. Bài viết này, học sinh sẽ viết một bài văn trọn vẹn, tương ứng với thể loại, phương thức biểu đạt của phần kiến thức mà học sinh học ở chương trình và sách giáo khoa trên lớp chính khóa.

Tuy nhiên, thông tin tới báo chí vào ngày 17/8, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào nói rằng từ năm học tới sẽ kiểm tra, đánh giá đối với học sinh ở môn Ngữ văn bằng kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận. “Có thể đó là một đề xuất được đưa ra từ một hội thảo nào đó, còn Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc này”, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.

Thực hư thông tin từ năm học tới đề thi môn Văn sẽ kết hợp 2 hình thức trắc nghiệm và tự luận ảnh 5
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin vụ cô giáo có hành vi thiếu chuẩn mực trong lớp học

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin vụ cô giáo có hành vi thiếu chuẩn mực trong lớp học

HHT - Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, qua làm việc cho thấy cô giáo này hòa đồng, gần gũi với học sinh. Do cô giáo còn trẻ nên kinh nghiệm quản lý học sinh, quản lý lớp học, xử lý các vấn đề phát sinh trong lớp học còn thiếu nghiêm khắc dẫn đến hiểu nhầm, ảnh hưởng đến cá nhân, nhà trường và ngành giáo dục.