Đặt những viên gạch đầu tiên
Mới đây, phía Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã thông báo kết quả ký kết Biên bản ghi nhớ giữa tập đoàn này và SM Entertainment vào ngày 10/5 vừa qua. Cụ thể, SM sẽ chính thức bước vào thị trường Việt Nam để theo đuổi hàng loạt các dự án kinh doanh toàn cầu bao gồm giải trí, quảng cáo, truyền thông.
SM bắt đầu bằng việc sản xuất các sản phẩm V-Pop để giới thiệu và quảng bá các nghệ sĩ SM hiện tại; tìm kiếm các tài năng mới tại Việt Nam, đồng thời sẽ khởi chạy một loạt các lĩnh vực thương mại khác, bao gồm sản xuất các sản phẩm truyền thông, kinh doanh công ty quảng cáo. Tổng Giám đốc điều hành SM Entertainment, ông Kim Youngmin cho biết: “Thông qua hệ thống đào tạo độc đáo, SM có kế hoạch tìm kiếm và đào tạo các tài năng Việt Nam trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu”.
Trước đó, trang chủ SM audition đã đưa ra thông báo sẽ tuyển thực tập sinh người Việt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11 này. Bên cạnh đó, SM dự định thành lập nhóm nhỏ của NCT tại Việt Nam và sẽ phát hành album phiên bản Việt của NCT. Nhóm nhỏ tại Việt Nam là một phần của dự án 7 nhóm nhỏ NCT sắp thành lập tại các khu vực Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Chương tiếp theo của tham vọng “bá chủ toàn cầu”?
SM là “người tiên phong” trong việc đưa K-Pop cùng làn sóng Hàn Lưu ra thế giới và chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đó. SM đưa BoA và DBSK sang Nhật, đặt những viên gạch nền móng cho trào lưu Nhật tiến của Hàn Quốc. Công ty cũng thúc đẩy hoạt động Mỹ tiến khi phát hành single tiếng Anh cho BoA từ năm 2008. Super Junior là nhóm nhạc đầu tiên có thành viên người ngoại quốc, có nhóm nhỏ hoạt động ở nước ngoài với độ nổi tiếng cao. Những đàn em đi sau như EXO, NCT lại tiếp tục kế thừa truyền thống đó.
Thực chất, SM đã tỏ ra thích thú với mô hình nhóm nhạc thay đổi thành viên luân phiên của Nhật Bản từ những năm 2005 nhưng khi đó K-Pop chưa thể chấp nhận mô hình đó. Nhưng nay, K-Pop đã phủ sóng toàn cầu và SM hoàn toàn đủ tiềm lực kinh tế để thành lập đến vài nhóm nhạc cùng lúc. Nếu một nhóm nhạc bình thường chỉ có thể hoạt động trên 1, 2 thị trường/ năm, 10 phiên bản của NCT (tính cả NCT 127, NCT U và NCT Dream) có thể phủ sóng từ Á sang Âu. Nếu hoạt động tốt, NCT không chỉ mang thương hiệu SM đến mọi “ngóc ngách” mà còn mang về giá trị kinh tế lớn theo cấp số nhân.
Tại sao lại là Việt Nam?
Nếu như trước đây tại quê nhà, SM chỉ phải dè chừng các đối thủ đến từ BIG3 thì hiện nay các nhóm nhạc từ công ty nhỏ và chương trình sống còn cũng trỗi dậy mãnh liệt. Thị trường Nhật Bản, Trung Quốc tìm cách hạn chế Hallyu, “giấc mơ Mỹ” lại quá khó, SM chuyển hướng sang Đông Nam Á và Nam Mỹ cũng là điều dễ hiểu.
Mà tại Đông Nam Á, không thể phủ nhận V-Pop là một thị trường đáng chú ý. SM đã có những động thái thăm dò khi nhiều lần đưa NCT đến biểu diễn tại mảnh đất hình chữ S. Chắc hẳn, chính sự cuồng nhiệt của các fan Việt đã tạo ấn tượng tốt cho “ông lớn K-Pop”. Thị trường Việt thường bị nhắc đến với nhiều điểm yếu, điển hình là chưa chuyên nghiệp và kém “chịu chi”, nhưng vẫn là một thị trường đông dân, trẻ trung, nhạy cảm với các xu hướng toàn cầu. Hãy nhìn những MV nổi bật của V-Pop như Chạy Ngay Đi (Sơn Tùng M-TP) hay Bùa Yêu (Bích Phương), không hề thua kém các nước về chất lượng và còn có lượt xem rất “khủng”.
Các tài năng Việt chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng không kém cạnh về ngoại hình hay tài năng. Nếu có sự định hướng tốt, những yếu điểm có thể được khắc phục. Mặc dù chưa có thực tập sinh Việt nào thành danh tại K-Pop, nhưng với sự hỗ trợ và đào tạo bài bản của SM, điều đó có lẽ sẽ không còn xa vời.