Thuốc 'đặc trị' nào cho thể thao Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo dõi 2 ngày hội nghị tổng kết năm và xây dựng định hướng phát triển thể thao thành tích cao do Bộ VH-TT&DL, Cục TDTT tổ chức hôm 21-22/12 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng các ý kiến tại hội nghị khái quát khá đầy đủ bức tranh tổng thể nhưng chưa sắc và đặc biệt, chưa đưa ra được giải pháp cụ thể.

Bệnh: không mới

Trong ngày đầu tiên, hội nghị đã thu hút một số ý kiến trình bày của các cựu lãnh đạo, chuyên gia kỳ cựu ngành thể thao như nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (nay là cục TDTT) Lâm Quang Thành, Lê Quý Phượng hay nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, HLV và các chuyên gia về thực trạng thể thao Việt Nam.

Thuốc 'đặc trị' nào cho thể thao Việt Nam? ảnh 1

Thể thao Việt Nam loay hoay khi chưa có giải pháp hướng đến đấu trường ngoài khu vực

Ảnh: Linh Hoàng

Nhiều vấn đề đã được chỉ ra gây cản trở đến sự phát triển thể thao, đặc biệt thể thao đỉnh cao như: chưa tập trung được nguồn lực cho các môn mũi nhọn, quá say sưa với thành tích ở đấu trường khu vực như SEA Games nhưng thiếu đột biến, hướng đến Asiad và Olympic; cơ sở vật chất thiếu, nguồn vốn đầu tư eo hẹp hay hệ thống phát hiện, đào tạo VĐV lạc hậu, thiếu ứng dụng khoa học-công nghệ cũng như đảm bảo chế độ ăn uống, dinh dưỡng dành cho VĐV… Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh mô tả nhiều vấn đề như “hòn đá tảng” cản trở sự phát triển.

Đơn cử như vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, bữa ăn cho VĐV…nhiều kỳ SEA Games đã được phản ánh. Tuy nhiên mới đây khi vụ việc về bữa ăn thiếu chất ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, ngành thể thao mới tá hoả xử lý, kỷ luật các cá nhân liên quan. Nhưng giải pháp nào để tình trạng trên không tái diễn thì chưa thấy lãnh đạo ngành có ý kiến. Hoặc tình trạng thua sút các đối thủ trong khu vực khi bước ra đấu trường Asiad và Olympic cũng khá cũ. Từ năm 2015 và đặc biệt sau SEA Games 2017, Cục TDTT đã nhiều lần đề cập đến chiến lược tập trung cho đấu trường Asiad, nhưng thực tế các quyết định của ngành thể thao lại khiến giới chuyên gia cho rằng ngành chưa dứt được căn bệnh thành tích khu vực. Biển hiện cụ thể là việc những ngôi sao giàu tiềm năng như Nguyễn Thị Ánh Viên, Huy Hoàng (bơi lội), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh)… phải “cày” rất nhiều nội dung ở SEA Games.

“Giải quyết dứt điểm từng vấn đề”

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên lãnh đạo ngành thể thao tham dự 2 cuộc hội nghị do Bộ VH-TT&DL, Cục TDTT chủ trì. Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thuỷ cho biết đây không phải lần đầu ngành thể thao tổ chức hội nghị để “bắt bệnh”, xây dựng định hướng phát triển thể thao thành tích cao. Các vấn đề được nêu tại hội nghị cũng không mới, nhưng thiếu những giải pháp cụ thể, quyết liệt. Ông Dương Đức Thủy cũng cho rằng thay vì dàn trải, đưa ra các giải pháp chung chung, ngành thể thao cần xác định xử lý từng việc cụ thể, giải quyết triệt để.

Về vấn đề này, một số quan điểm khác cũng đánh giá ngay chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng khá chung chung. Dù “tư lệnh” ngành cho rằng thể thao cần dũng cảm nghe lời nói thẳng, nhưng nội dung chỉ đạo chưa đặt ra một trọng tâm cần giải quyết. Trao đổi với PV Tiền Phong, một nguyên lãnh đạo Cục TDTT cho biết, ông đánh giá cao nỗ lực của Cục TDTT khi tổ chức hội nghị, cũng như ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia. Đặc biệt có trường hợp do sức khoẻ không thể tham dự nhưng vẫn gửi thư góp ý, cho thấy tâm huyết với thể thao rất lớn.

“Tuy nhiên nếu không đưa ra vấn đề cụ thể, triệt để xử lý thì ngành thể thao có thể đi vào lối mòn như các hội nghị trước, “đánh trống bỏ dùi”. Ngoài ra tôi cho rằng một số vấn đề vượt tầm xử lý của Cục TDTT, Bộ VH-TT&DL cần xem xét. Ví như ngành đã làm tốt công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ hay chưa, như có trường hợp làm quá 2 nhiệm kỳ, liệu bộ có xem xét?”. Các mục tiêu đặt ra ở hội nghị về đấu trường Asiad và đặc biệt Olympic, theo vị này cũng khó khả thi nếu xét công tác huấn luyện, đào tạo và lựa chọn các VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam hiện nay.

Kỷ luật ba cá nhân vụ bữa ăn VĐV bóng bàn

Tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2023, Cục TDTT đã thông báo quyết định của Hội đồng Kỷ luật với vụ bữa ăn và tiền lương đội bóng bàn trẻ quốc gia. Ba cá nhân bị kỷ luật khiển trách, gồm một trưởng phòng và một chuyên viên theo dõi thuộc TTHLTTQG Nhổn, một chuyên viên phụ trách môn bóng bàn thuộc Cục TDTT. Riêng HLV trưởng Bùi Xuân Hà, được xác định có trách nhiệm lớn nhất sẽ không được mời làm việc ở các đội trẻ quốc gia trong tương lai. HẢI LÝ

MỚI - NÓNG