Thương vụ bạc tỷ: Triển vọng của Manchester United

0:00 / 0:00
0:00
Manchester United là một cái tên không còn xa lạ gì đối với người hâm mộ bóng đá. Thậm chí ngay cả đối với giới tài chính, Quỷ Đỏ thành Manchester cũng là một khoản đầu tư tiềm năng sau khi tăng giá đáng kể, đến hơn 73%, nhờ triển vọng từ thương vụ mua lại. Cổ phiếu của câu lạc bộ này hiện được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Thương vụ bạc tỷ: Triển vọng của Manchester United ảnh 1

Cổ phiếu của Manchester United (NYSE: MANU) đã tăng mạnh kể từ nửa cuối tháng 11/2022 khi có tin ghi nhận rằng nhà Glazer đồng ý rao bán đội bóng này.

Cho đến nay, mức giá mua lại ManU đã được chào mời lên đến 6 tỷ USD từ Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani, con trai của Tiểu vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, đồng thời là chủ tịch của một ngân hàng lớn của Qatar.

Trong những ngày gần đây, báo chí Anh cũng đã đưa tin rằng các nhà đầu tư tài phiệt từ Qatar đang rất sẵn lòng “đá bay mọi đối thủ” bằng khoản chào mời “kếch sù” để mua lại Manchester United. Thương vụ chuyển nhượng đình đám nhất làng túc cầu được cho là sẽ hoàn thành trước khi mùa giải 2022/23 kết thúc.

Cần biết rằng giá trị thị trường của ManU hiện tại chỉ là 3,72 tỷ USD. Với các thông tin đã biết, triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu MANU ít nhất có thể là 60% nữa.

Trên sân cỏ

Thời điểm siêu sao Cristiano Ronaldo rời khỏi câu lạc bộ vào cuối năm ngoái cũng là lúc Manchester United bắt đầu thay da đổi thịt với những tín hiệu khởi sắc.

Các trụ cột như Bruno Fernandes, Marcus Rashford hay Casemiro đều có những màn trình diễn tỏa sáng đúng lúc, giúp đội bóng giành được những thắng lợi quan trọng, nhất là trước đại kình địch Manchester City.

Sự dẫn dắt của HLV Erik Ten Hag cũng là một yếu tố quan trọng khiến Quỷ Đỏ hiện có thể vững vàng trong top 3 Ngoại hạng Anh. Với màn trình diễn ngày càng lạc quan hơn, vị thế và vinh quang của ManU cũng có triển vọng được khôi phục như năm xưa.

Thương vụ bạc tỷ: Triển vọng của Manchester United ảnh 2

Định giá đội bóng

Các câu lạc bộ bóng đá là những chiếc lò đốt tiền theo đúng nghĩa đen. Nhưng đó vẫn là những “vật phẩm” mà giới tài phiệt thường trao đổi sang tay với nhau như cơm bữa, đơn cử như trường hợp của Chelsea và AC Milan vào mùa hè năm ngoái. Ngay cả tỷ phú Joe Lewis, chủ sở hữu của Tottenham Hotspurs, cũng chào bán CLB của ông với mức giá 4,5 tỷ bảng (5,4 tỷ USD).

Các doanh nghiệp thông thường sẽ được định giá dựa trên thu nhập trong tương lai, nhưng định giá các câu lạc bộ thể thao, đặc biệt là các câu lạc bộ bóng đá, có thể sẽ được tính toán theo cách rất khác.

Các đội bóng thường xuyên bị thua lỗ vì chi phí lương. Và cứ đến lúc có lãi, fan hâm mộ lúc nào cũng sẽ đòi hỏi ban lãnh đạo phải tái đầu tư số tiền đó dưới hình thức mua sắm trên thị trường chuyển nhượng. Vậy làm thế nào mà các câu lạc bộ có được mức định giá mua lại lên đến hàng tỷ đô la?

Đáp án, có lẽ là do sở thích hoặc toan tính riêng của giới tài phiệt, đặc biệt là các ông trùm Qatar vì họ…chẳng có gì ngoài tiền.

Góc nhìn đầu tư

Khoảng một năm trước, nếu nhà đầu tư chi 100 USD cho cổ phiếu MANU, số tiền đó sẽ gần như không biến đổi trong 9 tháng liên tiếp, nhưng chỉ cần 3 tháng cuối cùng đã có thể tăng vọt lên thành 171,4 USD.

Ở thời điểm hiện tại, nếu như thương vụ mua lại Quỷ Đỏ thực hiện thành công thì khoản đầu tư 100 USD vào lúc này có khả năng sẽ nâng lên thành 160 USD hoặc hơn, dựa trên mức giá đặt mua của các doanh nhân và tổ chức tham gia đấu giá.

MỚI - NÓNG