Vừa sửa sang tiệm cắt tóc, gội đầu tại Phú Đô (Mỹ Đình, Hà Nội) của mình, sau Tết thêm các dịch vụ làm đẹp khác như spa, làm móng, chị Thu Trang hy vọng sẽ phục vụ đông khách hơn. Chưa vui mừng được bao lâu thì dịch Covid-19 lan rộng khắp cả nước, khách cứ thế thưa thớt dần. “Trước đây, 8 giờ sáng tiệm đã có khách ra gội đầu để kịp đi làm. Có những ngày người xếp hàng dài chờ để làm tóc. Khoảng 2 tuần nay, cả ngày tôi mới có 2 khách cắt tóc gội đầu”, chị Trang nói.
Theo chị Trang, trước quán có hai nhân viên. Lúc đầu, chị Trang cho một nhân viên nghỉ việc về quê, nay nhân viên kia cũng nghỉ tiếp. “Quán giờ duy trì không đủ tiền thuê nhà nên không có khả năng trả lương nhân viên. Nếu dịch tiếp tục kéo dài tôi tính đóng luôn cửa tiệm”, chị Trang cho hay.
Anh Nguyễn Hưng, chủ tiệm tóc trên phố Mai Hoa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mùa dịch Covid-19, khách quán anh giảm đến 70%. Quán cũng thay đổi để phục vụ khách an toàn mùa dịch. Cụ thể là khách hàng buộc phải giữ khoảng cách không dưới 1,5 m giữa các ghế kể cả khi đã được lịch hẹn.
“Thời dịch buộc chúng tôi phải cố gắng kết thúc công việc nhanh hơn và bỏ qua các công đoạn không cần thiết để tiết kiệm thời gian, tốt cho cả các bên. Khi khách tới sẽ được rửa tay khử trùng và làm sạch giày dép... Đây là những thủ tục tối thiểu chúng tôi phải thực hiện để đảm bảo an toàn nhưng khách vẫn thưa thớt”, anh Hưng nói.
Chị Thu Phương (Tây Hồ, Hà Nội) có thói quen 1 tuần gội đầu 3 lần ngoài tiệm nay cũng từ bỏ thói quen. Chị Phương chia sẻ: “Dù cả khách và thợ gội đầu đeo khẩu trang nhưng lúc gội đầu 2 mặt vẫn gần nhau và có nguy cơ lây nhiễm cao. Dù bất tiện nhưng tôi cố gắng gội đầu tại nhà. Điều này cũng giúp tôi cũng cắt giảm chi tiêu đáng kể trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh”.
Chị Nguyễn Thị Thảo (Phương Mai, Hà Nội) cho biết: “Với thu nhập từ nhân viên bán hàng bất động sản vào loại khá như chúng tôi thì việc chi 1 - 2 triệu đồng cho làm tóc, mua quần áo là hết sức bình thường. Song với tình hình kinh tế khó khăn trong mùa dịch như hiện nay, lương thưởng cũng giảm sút thì việc chi tiêu ngay cả những vấn đề thiết yếu cũng phải cân nhắc. Vì vậy, làm đẹp vốn được "đầu tư" rộng tay thì nay cũng phải suy nghĩ kĩ”.
Theo đó, VCCI đề xuất bổ sung các dịch vụ phục vụ cá nhân có sự tiếp xúc trực tiếp cũng cần thuộc đối tượng gia hạn nộp thuế như: cắt tóc, làm đầu, gội đầu, massage, spa, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ hôn lễ... Theo VCCI, đây đều là các dịch vụ chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19 và rất cần có sự giãn thuế của Nhà nước nhằm tránh cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền trong giai đoạn này.