“Hậu trường” của những chú chim sớm
Ngoài “tội danh” “gật gù” trong giờ học, việc “chạy đua cùng Mặt Trời” còn có vô vàn “tác dụng phụ” mà bạn không nên bỏ qua!
- “Gáy” quá sớm khi cơ thể không quen sẽ làm cho buổi sáng của bạn trở nên “lừ đừ”. Kết quả, bạn sẽ ngủ “xuyên lục địa” vào buổi trưa để “đền bù” khiến đến tối mắt lại mở thao láo vì… khó ngủ.
![]() |
- Mỗi lần “thách đấu” với ông Mặt Trời, nhiều người hay dùng cà phê như một vị “cứu cánh” cho bộ não còn hơi “đơ”. Tuy nhiên, nếu thường xuyên “nạp” cà phê vào cơ thể sẽ làm cơ thể bị phụ thuộc khiến chỉ cần một ngày không uống là bạn sẽ không tài nào tỉnh táo được.
- Chưa hết, khi dậy quá sớm, chu kì giấc ngủ sẽ bị gián đoạn làm cơ thể uể oải hơn bình thường. Nếu ngay lúc này mà “bật” dậy là sẽ bị “xoay mòng mòng” liền vì cơ thể bị mất cân bằng khi chuyển đột ngột từ tư thế nằm sang tư thế đứng.
- Khi dậy sớm phản tác dụng: Dậy quá sớm -> chịu không nổi, “vô tình” nhắm mắt ngủ tiếp à lúc dậy người còn “đừ” hơn vì cơ thể “giật mình”, chưa kể còn được “tặng” một suất vô phòng giám thị vì đi trễ.
Làm sơn ca không hề dễ như tụi mình vẫn tưởng đâu nha!
“Giáo án” tập làm chim sớm “xịn đét”
Vẫn có những “công thức” đào tạo sơn ca đúng chuẩn 5 sao. Lấy giấy và bút ra ghi lại liền nè bạn ơi!
![]() |
- Một chu kì giấc ngủ kéo dài 1 tiếng rưỡi gồm 5 giai đoạn từ ngủ nông đến ngủ sâu rồi lại trở về ngủ nông. Nắm được cách vận hành này, bạn có thể tự canh thời gian thức dậy vào lúc giấc ngủ đang ở giai đoạn nông để không cảm thấy “choáng váng”.
- Nếu muốn tiến hóa thành “chim sớm” bạn nên áp dụng quy tắc “bất hủ” của ông bà: Chậm mà chắc! Bắt đầu bằng việc lùi thời gian dậy xuống 15 phút, 30 phút rồi 1 tiếng sẽ giúp cơ thể thích nghi dần với “thời gian biểu” mới. Tuy nhiên nhớ phải chỉnh sửa luôn cả thời gian “tắt đèn” để đảm bảo cơ thể ngủ đủ giấc hoặc dậy khi chu kì giấc ngủ đang ở trạng thái nông nha!
- Nếu đã cố hết sức mà vẫn không “đánh bại” được con “quái vật” ham ngủ, bạn hãy tận dụng “dế” tải về những app báo thức “xịn đét”. Đơn cử như app Good Morning sẽ giúp bạn canh sẵn trạng thái nông của giấc ngủ và “tuýt còi” vào “thời điểm vàng”, hay Alarmy bắt bạn chụp hình, lắc điện thoại hay giải liền tù tì ba bài toán mới tha.
![]() |
- Có bao giờ bạn lẩm bẩm hạ quyết tâm “Mai 6 giờ mình phải dậy” và dậy đúng 6 giờ sáng hôm sau dù không hề đặt báo thức? Các nhà nghiên cứu ở Đại học Lubeck (Đức) đã tìm ra câu trả lời cho hiện tượng này khi phát hiện một loại protein có khả năng làm chúng ta buồn ngủ vào buổi tối và tỉnh ngủ khi trời sáng. Dựa vào đó, tụi mình có thể “lập trình” thời gian tỉnh giấc của cơ thể bằng việc nghĩ về nó trước khi ngủ. Điều này sẽ khiến cơ thể tiết ra hoóc-môn chứa loại protein này một tiếng trước giờ tỉnh, và kết quả là bạn sẽ thức dậy tràn trề năng lượng như một vị thần!
- Quan trọng nhất vẫn là phải tập thói quen dậy vào một giờ cố định. Rafael Pelayo, chuyên viên giấc ngủ tại Đại học Stanford, nói rằng cơ thể chúng ta luôn có cơ chế để chuẩn bị cho việc tỉnh giấc như tăng nhịp tim, nhiệt độ cơ thể… Cơ chế này chỉ phát huy tác dụng khi tụi mình duy trì một giờ tỉnh giấc hằng ngày. Do đó cho dù có dậy sớm vào ngày đi học nhưng “nướng khét lẹt” vào cuối tuần thì “mèo vẫn hoàn mèo” mà thôi!
NGÂN HỒ