Tiếp sức... hậu mùa thi: Nhật ký phòng thi - thi cử như một “vựa muối”

Tiếp sức... hậu mùa thi: Nhật ký phòng thi - thi cử như một “vựa muối”
HHT - Với tớ, kì thi THPT Quốc gia chẳng khác “khổ ải trần gian”. Đã vậy, ba má còn dọa rớt ĐH, trượt Tốt nghiệp làm tớ “rớt tim”. Nhưng không, đời người phải “mài mông” trong phòng thi ít nhất một lần để thấy thi cử như một “vựa muối”.

“Phó mặc” trong ba ngày đếm ngược

Theo tớ, ắt hẳn sẽ chẳng có bầu không khí nào vừa căng thẳng lại vừa nhộn nhịp như những ngày cuối trước giờ G. Thay vì bật chế độ “con nhà người ta” cắm mặt học, bạn sẽ thấy hàng loạt những chia sẻ đầy hóm hỉnh: Hội “duy tâm” với những linh vật như “thần muỗng”, “thần ếch”, “thần xoài”... hay hội “duy vật” với những chia sẻ “Tài liệu 24h cuối chống liệt”, “Làm thể nào để đánh bừa có phương pháp?”... đều hoạt động rần rần trên mạng xã hội.

Tiếp sức... hậu mùa thi: Nhật ký phòng thi - thi cử như một “vựa muối” ảnh 1

Ngày đi thi, tớ còn chứng kiến một bạn đem theo “thần muỗng”, giám thị nhìn hốt hoảng hỏi: “Gì vậy em?”. Bạn bình tĩnh trả lời: “Dạ bùa may mắn”. Thầy chưa hết băn khoăn đáp lại: “Trường hợp này lạ quá, để tôi hỏi hội đồng một phát đã nha!”. Mùa World Cup, hội mê bóng bánh đặt cược hết vào Messi, còn hội thi đại học thì đành đặt cược đời mình vào “các vị thần” vậy!

Không những thế, tụi tớ còn “chuyền tay” nhau những tin nhắn kiểu: “Chia sẻ con ếch này cho 20 người để nhảy qua kì thi một cách thành công, không sẽ rớt” khiến bất cứ sĩ tử nào cũng lạnh sống lưng.

Ba ngày đếm ngược, không chỉ có căng thẳng mà còn là khoảng thời gian động viên, chúc nhau mà tụi tớ hay gọi là “tích đức” để “qua môn” đấy!

“Cuộc chiến vô cực”: Thí sinh vs. đề thi

Tuy nhiên, như cái kết bất ngờ trong phim Cuộc chiến vô cực (Infinity War), 6 môn thi như 6 viên đá vô cực bao gồm Toán, Văn, Anh và 3 môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đã “thẳng tay” với những học sinh “học thì ít mà quên thì nhiều” như tớ.

Tiếp sức... hậu mùa thi: Nhật ký phòng thi - thi cử như một “vựa muối” ảnh 2

Môn Văn: “Chuyến tàu đêm cùng chiếc thuyền ngoài xa đã đưa em đi xa quá, xa ngoài biển đảo”. Đó là suy nghĩ đầu tiên loé lên trong đầu tớ khi biết mình đã “trật tủ” một cách nghiêm trọng và “ăn ngay lá ngón” khi những ngày qua chỉ cắm cúi mà học Vợ chồng A Phủ. Sau khi thi, khảo sát tỉ lệ “cô dâu 18 tuổi” thì tớ nhận ra là “cộng đồng Mị” giống mình hơi bị đông đảo!

Môn Toán: Tớ đã làm 25 câu đầu vèo trong 15 phút với sự hân hoan và phấn khởi vì chỉ cần làm đúng 25 câu nữa thôi là sẽ… “thủ khoa”. Kết quả là 60 phút còn lại tớ dành hết để... đọc đề. Nộp bài xong, tớ tự tin rằng nếu đáp án của Bộ giống đáp án của mình thì chắc chắn sẽ 10 điểm! Còn không thì... thôi. Và thôi thật các mẹ ạ...

Ở môn Khoa Học Tự Nhiên, nhiều bạn cũng phải lắc đầu “ngao ngán”, ngay cả bạn tớ, một học sinh từng đạt giải thưởng môn Vật lý cũng chỉ đành “cười trừ” và đi về với lời khẳng định chắc nịch: “Đợi thi xong mình sẽ đổi nguyện vọng từ A1 sang D1” - dù sự thật là bạn í cũng “đầu hàng” môn Văn hôm trước rồi!

“Vựa muối” giữa gian nan phòng thi

Những giám thị “oách xà lách”: Ở phòng tớ, sau khi làm xong môn Lý, hoàn tất thủ tục, thầy đã dõng dạc nói với cả lớp rằng: “Cái gì làm không được thì mạnh dạn bỏ qua, các anh chị tiếp tục làm bài thi tiếp theo, phải làm ba bài đều điểm liệt sau này còn có cái tự hào với con cháu!”.

Tiếp sức... hậu mùa thi: Nhật ký phòng thi - thi cử như một “vựa muối” ảnh 3

Những câu nói “ngậm đắng nuốt cay”: Vừa thi xong hai môn đầu tiên, câu đầu tiên mà 500 anh em hỏi nhau không phải là “thi tốt không?” hay “làm bài được không?” mà là “ra đảo không?”, “lấy chồng không?”...

Những đôi bạn “tâm giao”: “Ê, tui lụi toàn C nè, bà có lụi vậy không?” - “Không!” - “Giỏi thế, làm được bài à?” - “Không, tui lụi toàn D”.

Những nhân vật “chất” nhất quả đất: Thi Văn được 2/3 thời gian, một bạn mạnh dạn nộp bài rồi đi về. Sau đó về nhà mới đọc được chia sẻ của bạn ấy: “Hôm nay mình thi Văn, mình học Vợ chồng A Phủ, thế là mình đã viết Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm rất hay của nhà văn Nguyễn Minh Châu, tuy nhiên, trong vô số tác phẩm em thích nhất là Vợ chồng A Phủ”. Hẹn các bạn năm sau thi lại!

Phát ngôn “ngầu” nhất vịnh Bắc Bộ: “Nếu Bộ Giáo dục từ chối bạn, đã có Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng chào đón bạn”.

Những “sự cố” có một trên đời: Đi thi Toán quên mang máy tính và trở thành đứa duy nhất cụm thi không có máy tính. Anh em sĩ tử thương tình cho mượn máy tính, kết quả là mượn một phát được 4 cái máy tính luôn!

Tiếp sức... hậu mùa thi: Nhật ký phòng thi - thi cử như một “vựa muối” ảnh 4

Ranh giới giữa “thần đồng” và... “lên đồng”

Vậy sau kì thi quan trọng này, tớ và “đồng bọn” đã “bỏ túi” được 1001 kinh nghiệm “độc đáo” như thế nào?

- Đề thi cũng như quảng cáo mì gói vậy, minh hoạ thì “ngon lành” mà thực tế thì “đắng chát”.

- Dù có hâm mộ thần tượng nhiều bao nhiêu, tuyệt đối đừng nghe nhạc “lấy hên” trước khi vào phòng thi. Hên đâu không thấy mà toàn “DDU-DDU DDU-DU”, “BANG BANG BANG” đến hết giờ thi.

- Đã là “thần đằng” (thằng... đần) lại có vận đen thì dù đánh bừa có phương pháp như thế nào cũng không thể trở thành “thần đồng”. Đề Vật lý tớ đánh bừa toàn C, đáp án ra toàn B, đến đề Hoá học rút kinh nghiệm đánh bừa toàn B thì đáp án ra toàn C. Mọi thứ đều có số, số điểm của bạn cũng vậy, cố thế nào cũng không đổi được.

- Bác “Tào Tháo” đã muốn rượt thì dù có “thủ” sẵn bao nhiêu kế sách bạn cũng sẽ chẳng thể thoát. Có kế hoạch như bạn tớ “sáng đi một lần, tối đi một lần, trước giờ thi đi một lần” thì vào phòng thi cũng đành ngậm ngùi kí giấy cam kết cho đi tiếp lần nữa!

Theo Trích HHT 1266
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?