Tiểu thương, cửu vạn lo mất Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm trước dịp sát Tết, tiểu thương các chợ ở Tây Nguyên đứng bán hoa, cây cảnh không kịp ăn cơm. Vậy mà nay, nhiều chợ rơi vào cảnh đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua.

Chờ việc

Sáng sớm, ngay góc ngã tư đường Hai Bà Trưng giao Hoàng Thị Loan, phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, một nhóm 8-10 người đứng trò chuyện dưới gốc cây đa. Ngồi bên vệ đường, ông A Riu (60 tuổi, trú thôn Plei Tơ Nghia) chờ những chuyến bốc vác hàng hóa, hướng ánh mắt vô định dọc tuyến đường Hai Bà Trưng.

Tiểu thương, cửu vạn lo mất Tết ảnh 1

Dãy cửa hàng bánh kẹo Tết vắng khách

Ông A Riu kể, ông hơn 10 năm làm nghề bốc vác (cửu vạn). Lao động cật lực từ sáng sớm đến khuya để nuôi 5 người trong gia đình. Bố mẹ già chỉ quanh quẩn vườn rau nhỏ trước sân, vợ đi làm rẫy cả ngày, còn đứa con út phải tự chơi một mình ở nhà. Ông tâm sự, năm trước, ngày nào cũng có việc, nhưng tiền công làm ra chỉ đủ ăn và lo cho con cái ăn học. Năm nay, không hiểu sao “ế” chưa từng có. “Sáng sớm, tôi cùng nhóm người trong thôn đứng tới giờ (đến trưa), nhưng chỉ có 2 người được thuê. Giờ đành về nhà tranh thủ ăn cơm rồi ra đứng đường tiếp”, ông thở dài.

Tương tự, anh A Tình (44 tuổi, thôn Plei Tơ Nghia) ngồi một góc khác bên đường và cũng chờ dài cổ từ sáng tới trưa nhưng chưa có chuyến nào. Anh buồn rầu chia sẻ: “Sáng giờ “ế ẩm” quá chú! Anh em dựng xe bên đường, qua quán cà phê ngồi bấm điện thoại giết thời gian và tiếp tục ngóng tiếng gọi. Mọi người bảo nhau tí sẽ có người gọi thôi. Thế mà ngồi tận 5 tiếng đồng hồ rồi chưa rời khỏi ghế”.

Chờ khách

Tiểu thương, cửu vạn lo mất Tết ảnh 2

Ông A Riu ngồi bên vệ đường chờ người thuê bốc vác

Nhìn dòng người tấp nập đi qua tuyến đường tránh thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, chị Phan Thị Hiền, chủ nhà vườn bán và cho thuê đào cây - đào thế, thở dài: “Ế quá! Ế không chịu được!”. Năm nay được mùa đào, thời tiết thuận lợi cho đào nở đẹp, đúng vụ mà người trồng đào Nhật Tân ở thị xã Buôn Hồ lại cảm thấy buồn vì nhu cầu chơi hoa của người dân giảm hẳn so với mọi năm. “Tầm này năm ngoái khách tới đông lắm, tôi không có thời gian nói chuyện với ai, không như hiện tại. Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 1.400 cây đào Nhật Tân, giá bán từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/cây”, chị Hiền nói.

Có mặt tại chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk lúc 9 giờ sáng, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước sự ảm đạm của một khu chợ lớn thường sầm uất của tỉnh. Như mọi năm, những gian hàng bánh kẹo nối tiếp nhau vẫn chất đầy kệ, quần áo treo đầy các ki-ốt. Tuy nhiên, không khí mua sắm lại không mấy khác biệt so với ngày thường.

Đứng thẫn thờ nhìn lẵng quà Tết, anh Nguyễn Như Ý (chủ cửa hàng giỏ quà Tết, bánh kẹo, nước ngọt) cho biết, chợ Tết năm nay im ắng, vắng khách; cả chợ chủ yếu người bán hàng tập trung nói chuyện để quên đi không khí ảm đạm. “Năm nay kinh tế khó khăn, người dân mua sắm dè dặt. Tôi nhập ít hàng Tết hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, các kênh bán hàng online nở rộ nên chợ truyền thống ngày càng ảm đạm”, anh Ý nói.

Gần 12 giờ trưa, chị Đoàn Thị Diệu (chủ ki-ốt quần áo) rầu rĩ cho hay, lượng hàng tồn kho nhiều, khiến chị và nhiều tiểu thương không dám nhập nhiều hàng Tết. Cả năm lượng hàng bán ra chỉ được 30-40% năm ngoái, có nhiều tiểu thương phải trả mặt bằng, chuyển nghề khác.

Ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng ban quản lý chợ Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, kinh tế khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm; những ngày gần đây, lượng khách tới chợ nhiều hơn nhưng sức mua không đáng kể.

MỚI - NÓNG