“Tầm sư học đạo” cùng các chuyên gia hàng đầu
Vào ngày 22 - 23/8/2020 vừa qua, cuộc thi Tìm kiếm tài năng làm phim kỹ thuật số do báo Hoa Học Trò và Đại học RMIT tổ chức chuỗi workshop kỹ năng với sự tham gia của hơn 30 đội thi xuất sắc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, content creator kỳ cựu.
Mở đầu là lớp học “Sáng tạo nội dung cho kịch bản video” do content creator Dustin Phúc Nguyễn “cầm trịch”. Thông qua buổi học, anh Dustin đã mang đến cho các thí sinh khái niệm “kim tự tháp” Core Values (Giá trị cốt lõi) với 3 giá trị chính: Entertaining - Informative - Meaningful.
Cụ thể, anh Dustin cho rằng nội dung video dù hài hước, vui tươi, tưng bừng hay sâu lắng, trầm lặng cũng đều phải mang đến năng lượng tích cực, có giá trị giải trí nhất định cho người xem, phải mang đến những kiến thức, góc nhìn mới lạ nhưng đồng thời cũng tạo ra những giây phút lắng đọng, khiến người xem cảm nhận rõ nét thông điệp và ý nghĩa của video.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và điều hành dự án cũng đóng vai trò to lớn ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Đối với vấn đề này, anh Dustin khuyên rằng nếu team có ít người, các teen cần liệt kê ra những công việc chính và phân chia theo sở trường của mọi người và nên tách biệt các mảng với nhau. Đặc biệt, anh Dustin nhấn mạnh rằng các nhà làm phim tương lai cần giữ thông tin liên lạc với các mối quan hệ xung quanh vì biết đâu chính họ sẽ cùng chúng ta cộng tác trong các dự án trong tương lai.
Tiếp đó là buổi workshop “Let’s get this film made! - Cùng làm nên một bộ phim!” của Tiến sĩ Nicholas Cope, Trưởng bộ môn Sản xuất Phim kỹ thuật số, Đại học RMIT. Đến với lớp học do thầy Nicholas hướng dẫn, các bạn thí sinh đã được thầy bao quát tất tần tật về các bước hình thành nên một bộ phim hoàn chỉnh, lựa chọn ý tưởng cho kịch bản.
Các bạn thí sinh được học cách quản lý dự án của mình theo chuẩn của các đoàn làm phim chuyên nghiệp: từ khâu viết kịch bản (screenplay) đến làm kịch bản phân cảnh (storyboard), lên kịch bản quay (shooting script) và cả các bước làm việc với từng thành viên trong đội ngũ sản xuất. Mọi khâu đều rất khoa học để giúp các bạn lên kế hoạch hợp lý, chuẩn bị cho vòng thi sắp tới.
Khi bắt tay vào công đoạn quay phim, bên cạnh kịch bản, diễn viên, góc quay,... thì ánh sáng cũng chính là yếu tố tối quan trọng để tạo ra một sản phẩm chỉn chu, trọn vẹn. Tuy nhiên để “kết thân” với ánh sáng lại không hề dễ dàng, vì vậy BTC cuộc thi đã mời thầy Khoa Nguyễn, giảng viên ngành Cử nhân Sản xuất Phim kỹ thuật số, Đại học RMIT đến làm “quân sư” hướng dẫn các thí sinh hiểu và sử dụng ánh sáng một cách kỹ thuật thông qua workshop “Let there be light - Câu chuyện của ánh sáng”.
Thầy Khoa Nguyễn chia sẻ, ánh sáng không chỉ giúp khán giả thấy rõ hình ảnh, nhân vật, chất liệu của đồ vật mà còn giúp tạo nên chiều sâu cho cảnh phim, điều hướng sự chú ý và đặc biệt là thể hiện tâm trạng của nhân vật.
“Mình đã được tiếp cận với rất nhiều kiến thức bổ ích, mới lạ và cực “xịn” chỉ trong 2 ngày training ngắn ngủi. Tụi mình sẽ vận dụng các bài học từ các diễn giả, cùng nhau họp bàn ý tưởng sản phẩm, lên kịch bản để thực hiện sản phẩm và làm những gì mà cả team cùng đam mê” - bạn Gia Huy (thành viên đội Palette) chia sẻ.
Bạn Minh Luật - trưởng nhóm YL24h cũng háo hức không kém: “Mình đã bắt đầu hình dung một cách hệ thống về việc xây dựng lên một bộ phim, từ kịch bản, nội dung và kỹ thuật quay phim. Mình còn được tiếp cận với những kinh nghiệm quý giá mà chỉ có những người trong nghề lâu năm mới truyền dạy được”.
Sẵn sàng “chinh chiến” tại vòng 3!
Sau 2 ngày huấn luyện đầy bổ ích, các nhà làm phim tương lai sẽ tiếp tục bước vào vòng 3 của cuộc thi. Mỗi đội sẽ nộp 1 phim ngắn có độ dài không quá 3 phút với một trong ba chủ đề: Giá trị gia đình, Học đường, Bạo lực học đường và 1 video có thời lượng tối đa 1 phút giới thiệu về phim của đội mình (chủ đề, thể loại, phong cách, kỹ thuật quay,...) về email cuocthilamphim.hht@gmail.com trước 11 giờ 59 phút ngày 6/9/2020.