Miệt mài tìm đến các công ty cung cấp dịch vụ mai mối, nữ luật sư Sarah Ko (31 tuổi, sống tại Hong Kong, Trung Quốc) vẫn chưa thể tìm được “Mr Right” (người đàn ông lý tưởng) của đời mình.
Sarah mong muốn tìm đối tượng cao từ 1,79 m trở lên, có mức lương tối thiểu một triệu đôla Hong Kong/năm (khoảng 120.000 USD), thành thạo tiếng Anh và có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.
Với những yêu cầu này, nữ luật sư chi 19.900 đôla Hong Kong (khoảng 2.500 USD) cho công ty mai mối từ tháng 10 năm ngoái. Kế hoạch “tìm chồng” của cô dự kiến kéo dài trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, những người đàn ông được công ty này giới thiệu luôn khiến Sarah thất vọng.
Trong số 28 hồ sơ Sarah nhận được từ tháng 2, chỉ có một, hai người gần thỏa mãn được yêu cầu cô đưa ra. Thậm chí, trong một lần gặp mặt, cô còn được giới thiệu với một nhà chế tác đá quý có tính cách thô lỗ và không nói được tiếng Anh.
“Đó là buổi hẹn tệ nhất tôi từng tham gia. Tôi cảm giác như mình bị lừa vậy”, nữ luật sư nói.
Không chỉ Sarah, nhiều người có mong muốn tìm bạn đời thông qua dịch vụ mai mối ở Hong Kong gặp phải nhiều bức xúc khi không được thỏa mãn yêu cầu của bản thân.
Báo trích dịch bài viết trên South China Morning Post về những rủi ro khi sử dụng các dịch vụ này.
Lập lờ thông tin ứng viên
Trong năm 2018, Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong đã nhận được 64 đơn khiếu nại từ cả nam và nữ giới về việc không nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền đã bỏ ra cho các công ty mai mối. So với năm 2017, con số này tăng 56%.
Lovestruck - nền tảng hẹn hò nổi tiếng tại Hong Kong, được vận hành bởi Love Group - là một trong số những công ty nhận được nhiều khiếu nại.
Tuy nhiên, công ty này bác bỏ các lời chỉ trích, khẳng định họ không đưa ra lời hứa hẹn nào về những người khách hàng chọn từ cơ sở dữ liệu, rằng những người đó đáp ứng tiêu chuẩn khách hàng hay đảm bảo hai người có thể tiến tới hẹn hò.
Đơn vị này cũng giải thích khách hàng đã đồng ý tuân theo sự gợi ý và tin tưởng chuyên môn của công ty thay vì khăng khăng đòi tìm người khớp với yêu cầu của mình.
Với trường hợp của Sarah, sau khi cô khiếu nại ra tòa, Love Group thừa nhận việc đã không xem xét kỹ yêu cầu của nữ luật sư và đề nghị cung cấp cho cô gói dịch vụ VIP trong 18 tháng để đền bù thay vì hoàn lại tiền.
Trong vai người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, phóng viên SCMP cố tình chọn những ứng viên nam có hồ sơ đẹp trong cơ sở dữ liệu của Love Group, bao gồm cả CEO Michael Ye.
“Đừng chọn người này”, Angela Li, người phụ trách nói.
Khi bị gặng hỏi, người phụ trách nói Michael làm CEO ở một công ty IT, trong khi không cho biết anh ta chính là giám đốc công ty mình.
Khi phóng viên liên lạc với Michael, chỉ có người đại diện đứng ra trả lời. Cô cho biết Michael là lập trình viên, tham gia rất nhiều vào việc thiết kế và phát triển sản phẩm cho công ty nên thường xuyên tạo tài khoản thử nghiệm bằng thông tin và hình ảnh thật của mình.
“Tuy nhiên, Michael chưa bao giờ hẹn hò với khách hàng để tránh xung đột lợi ích và yêu cầu nhân viên không gửi hồ sơ của mình cho người khác nữa”, người này giải thích thêm.
Bỏ ra nhiều tiền chưa chắc nhận được dịch vụ tương xứng
Cũng với mong muốn tìm bạn đời, nhà tâm lý học Bella Chan (45 tuổi) đã ký một dự án mai mối kéo dài 6 tháng, trị giá 39.900 đôla Hong Kong (khoảng 5.000 USD) với Love Group vào tháng 4 năm ngoái.
Bella muốn tìm một người đàn ông phương Tây trong độ tuổi 45-50, có thu nhập một triệu đôla Hong Kong mỗi năm.
Tuy nhiên, trong số 26 hồ sơ nhà tâm lý học nhận được, có tới 16 người Trung Quốc. Trong một cuộc gặp mặt, cô phát hiện đối tượng mình được giới thiệu là thành viên trực tuyến miễn phí.
“Họ hứa sẽ giới thiệu cho tôi các thành viên trả phí”, Bella nói.
Sau khi phàn nàn, Bella nhận được câu trả lời rằng công ty mở rộng phạm vi tìm kiếm, gồm cả những hội viên miễn phí, để cho cô có nhiều lựa chọn hơn.
“Mục tiêu của khách hàng là tìm được nửa kia phù hợp, có điều kiện tốt chứ không phải việc đối tượng có là hội viên trả phí hay không. Đó không phải là chuyện quan trọng”, người đại diện nói thêm.
Tuy nhiên, Bella không tin vào lời giải thích này. Cô cho rằng bản thân thật ngu ngốc khi gửi gắm niềm tin của mình vào đây.
“Tôi cảm thấy bị xúc phạm và sỉ nhục”, Bella nói với SCMP.
Trong một văn bản trả lời SCMP, Love Group đã bác bỏ các thông tin Sarah và Bella đưa ra. Công ty này cũng cho biết họ đã yêu cầu khách hàng của mình đọc kỹ điều khoản hợp đồng trước khi ký.
"Chúng tôi thà mở rộng phạm vi tìm kiếm ứng viên để giúp khách hàng có được đối tượng tốt còn hơn là đề xuất ai đó không phù hợp với họ chỉ vì người kia là thành viên có trả phí", người đại diện nói.