Tranh Lê Phổ được đấu giá hơn 2 triệu USD:

Tin vui cho hội họa Việt?

TP - Thời gian gần đây tranh của Lê Phổ cùng các họa sĩ thuộc giai đoạn Đông Dương liên tục được gõ búa với giá ngất ngưởng tại các phiên đấu giá quốc tế. Tuy nhiên một số nhà chuyên môn cho rằng, đây đơn thuần là câu chuyện của thị trường và tranh Đông Dương là kênh đầu tư khá mạo hiểm do tình trạng thật giả lẫn lộn.

Tác phẩm Gia đình trong vườn (La famille dans le jardin) của Lê Phổ vừa vừa được người mua chốt với giá hơn 2,3 triệu USD (55 tỷ đồng) tại phiên đấu giá chiều 5/4 của nhà Sotheby’s tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tác phẩm được Lê Phổ vẽ năm 1938 với chất liệu mực và bột mực trên lụa, kích thước 91,3 x 61,5cm. Đây là kích thước lớn nhất mà khổ vải lúc bấy giờ có thể đáp ứng.

Trong phiên đấu giá kỷ niệm 50 năm tại thị trường châu Á của nhà Sotheby’s, ngoài tranh của Lê Phổ còn có những tên tuổi tầm cỡ: Pablo Picasso, Joan Miró, Marc Chagall, Léonard Tsuguharu Foujita, Sanyu, Cheong Soo Pieng, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Wu Guanzhong, Liu Kuo-Sung, Fernando Zóbel, Affandi…

Tin vui cho hội họa Việt? ảnh 1

Gia đình trong vườn vừa được đấu giá tại Sotheby's Hong Kong đạt mức hơn 55 tỷ đồng

Cùng phiên, bức Thiếu nữ áo xanh (Jeune femme en blue dans un paysage) được Vũ Cao Đàm vẽ vào khoảng 1938 cũng được định giá hơn 900 nghìn USD; bức Phụ nữ và trẻ em bên sông (Femmes et enfants au bord de la rivière, 1955) của Mai Trung Thứ được gõ búa ở mức hơn 700 nghìn USD.

Như vậy Lê Phổ tự xô đổ kỷ lục của mình trước đó. Dáng hình trong vườn (1973) cũng được nhà Sotheby’s Hong Kong đấu giá ngày cùng kỳ năm 2022 với giá 2,29 triệu USD. Nhà phê bình Ace Le, Giám đốc điều hành tại thị trường Việt Nam của Sotheby’s nhận định: “Đây là kỷ lục triệu USD đầu tiên cho 2023, một năm mang nhiều thách thức kinh tế, là một tín hiệu lạc quan. Gia đình trong vườn là sáng tác lụa lớn thứ hai của Lê Phổ từng xuất hiện trước công chúng, từng được đấu giá trước đó năm 1999, đi kèm giấy chứng thực từ Alain Le Kim là con trai cố họa sĩ. Tác phẩm được sáng tác khoảng 1938, tức một năm sau khi ông qua Pháp định cư vĩnh viễn”.

Gia đình trong vườn trở thành tác phẩm có giá cao thứ hai trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD hai năm trước.

Tin vui cho hội họa Việt? ảnh 2

Bức Hoài cố hương

Trên thị trường những năm gần đây, tranh Lê Phổ liên tục tăng giá. Tháng 4/2012, Bức Màn tím do nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong rao bán đạt hơn 8,6 tỷ đồng, trở thành mức giá cao nhất ở thời điểm đó từng được trả tại một cuộc đấu giá cho tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam.

Cuối năm 2014, Nhìn từ đỉnh đồi do nhà Christie Hong Kong rao bán đạt gần 19,4 tỷ đồng, lập kỷ lục về mức giá được trả cho tranh của một họa sĩ gốc Việt. Hai bức Chúa giáng sinh và Mẫu tử được vào hai năm tiếp theo được bán với giá lần lượt là 12,6 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng. Bức Đời sống gia đình do nhà đấu giá Sotheby’s Singapore rao bán tháng 4/2017 đạt mức giá hơn 27 tỷ đồng. Khỏa thân được Christie's Hong Kong bán với giá gần 32,5 tỷ đồng tháng 5/2019…

Có thể thấy các bức tranh của Lê Phổ được thị trường ưa chuộng đều thuộc thời kỳ đầu (1934-1945) trong sự nghiệp của ông. Ngay từ triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1938, Lê Phổ đã khẳng định phong cách Đông-Tây kết hợp trong các bức tranh lụa mô tả người đẹp Việt Nam hoặc đang say sưa bên hoa, hoặc đang mơ màng bên trang sách, hoặc đọc thư tình trong vườn, phơi áo... được công chúng phương Tây đón nhận nồng nhiệt. Nhà phê bình Waldemar George trong cuốn sách về Lê Phổ xuất bản năm 1970 đã gọi danh họa Việt là “họa sĩ siêu phàm” (Divine Painter) và “thế giới của Lê Phổ là một thiên đường trên Trái Đất”.

Tin vui cho hội họa Việt? ảnh 3

Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001)

Nhà phê bình Phạm Trung phỏng đoán, khách mua những bức tranh đắt giá của Lê Phổ cũng như các họa sĩ thời kỳ Đông Dương “không phải người nước ngoài”. Các nhà sưu tập nước ngoài sở hữu những bức này thấy được giá bèn “xả ra” tạo nên những kỷ lục dồn dập thời gian gần đây. “Cũng là mừng thôi, nhưng các cuộc đấu giá ở phương Tây cũng lẫn lộn tranh thật tranh nhái Phổ, nên tôi không hào hứng lắm. Triển lãm tranh Đông Dương của Sotheby’s bày trong TPHCM năm 2022 có phải chất lượng cao đâu. Tôi muốn triển lãm này được bày cả ở Hà Nội. Giới chuyên môn ngoài này quen với các cụ Đông Dương hơn sẽ bình luận sòng phẳng xem Sotheby’s là thế nào”, ông Phạm Trung nói.

Về chất lượng bị nghi ngờ của triển lãm, ông Trung lý giải: “Có hai khả năng xảy ra. Bất cứ họa sĩ nào cũng thế, không phải vẽ trăm cái đều đẹp cả trăm. May thì vẽ xấu nhưng vẫn của chính tác giả, chứ nếu lại là tranh nhái lại thì… Với những danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, ngay vẽ ẩu của người ta cũng không ngô nghê như một số tranh bày trong cuộc ở TPHCM”.

Phạm Trung khẳng định, đấu giá là câu chuyện của thị trường. Một số họa sĩ trẻ hiện nay giá khi đấu ở nước ngoài lại bị thấp hơn thị trường trong nước. Do các nhà sưu tập nước ngoài mua tranh từ khi còn rẻ nên bán lại cũng rẻ. Một lý do nữa là nhà sưu tập không mặn mà với họa sĩ trẻ. Phạm Trung khẳng định, chính tranh của họa sĩ trẻ mới là kênh đầu tư dài hạn, có lãi, ổn định và tất nhiên đáng tin cậy vì “người thật tranh thật”. Chẳng hạn tranh Lê Quảng Hà những năm 2000 giá cùng lắm là 1.000-1.200 USD, giờ đã là 20-30 nghìn USD.

“Chơi tranh các cụ Đông Dương rất mạo hiểm. Vài nhà sưu tập có ý định bày các cụ Đông Dương mà lẫn lộn cả bản khẳng định xịn với những bản nghi ngờ nguồn gốc. Xin bày tại bảo tàng, nhưng bảo tàng không chịu trách nhiệm thẩm định nên đề nghị phải xin giấy phép. Xin của sở, sở cũng bảo phải có bằng chứng nhận xịn mới cho. Thế là tắc. Vì bày trong bảo tàng vô hình trung chính thức hóa cho tranh”, Phạm Trung nhận định.

Ông Trung dẫn chứng vụ tranh Bùi Xuân Phái được triển lãm đấu giá tại TPHCM cuối năm 2016 bị cho là giả, đến giờ vụ việc vẫn chưa ngã ngũ. Người nhà của các danh họa Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Hậu cũng không ít lần nghi ngờ về độ thật-giả với tranh của các họa sĩ này được đấu giá ở nước ngoài.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (bạn thân của con trai họa sĩ Lê Phổ), bức tranh Gia đình trong vườn mới được đấu giá của Lê Phổ thể hiện rõ ràng tính cách, phong cách mỹ thuật của cố danh họa. “Gia đình trong vườn có sự mơ màng - điều luôn thấy trong tranh Lê Phổ. Ông gợi cho người xem nhớ đến Đông Dương thời xưa. Chất liệu lụa, khổ tranh to được giới sưu tầm tranh hiện nay đặc biệt ưa chuộng, thường có giá cao hơn tranh sơn dầu”, ông Ngô Kim Khôi nhận định.

Tranh Lê Phổ bàng bạc tính cách Á Đông. Yếu tố này làm nên sự quyến rũ cho các tác phẩm của Lê Phổ. Phong cách đặc trưng khi sáng tác của Lê Phổ là “exoticism” (tính hương xa) - một xu hướng diễn tả nghệ sĩ say mê với những ý tưởng và phong cách từ những vùng xa xôi và lấy cảm hứng từ chúng.

Nhà nghiên cứu/ giám tuyển Lý Đợi cho biết, thời gian gần đây, nhiều người Việt tham gia đấu giá Lê Phổ và “bộ tứ trời Âu” nói chung, nên giá tranh của Lê Phổ được trả ngày càng cao. Tương lai tranh của ông còn có thể cao hơn nhiều lần.

“Lê Phổ có nhiều tác phẩm chạm mốc cả triệu USD. Đời ông sáng tác nghìn tác phẩm, theo tỷ lệ thường thấy ở nhiều danh hoạ quốc tế, khoảng 10% trong số này sẽ vượt mức 100 nghìn USD. Việc Lê Phổ có vài chục tranh chạm mốc triệu USD trong tương lai gần là bình thường”, nhà nghiên cứu Lý Đợi nêu quan điểm.

NGỌC ÁNH - GIA LINH