Tỉnh táo đọc báo "thời Corona"

Tỉnh táo đọc báo "thời Corona"
HHT - Với sự xuất hiện của virus Corona, tin tức đang dồn sức “đánh úp” mọi người trên mọi mặt trận. Cuộc đụng độ giữa độc giả với thông tin độc - giả nổ ra, nhà Hoa chi viện đến bạn vũ khí dò tìm báo chính thống.

Khủng hoảng niềm tin

Tết con chuột chưa qua, Tết con… virus Corona đã đến. Dịch nCoV lây lan chóng mặt trên phạm vi toàn cầu, tác động đến toàn bộ hoạt động sống của con người và trở thành mối quan tâm hàng đầu không của riêng ai. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh dễ khiến ta liên tưởng đến đại dịch SARS vào năm 2003 hay Ebola bùng phát cuối năm 2013. Nhưng cũng từ đây, nhiều người ngậm ngùi kết luận: Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, có lẽ vì lúc đó mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ - “thời corona”.

Ảnh: Bộ Y tế

Ngợp bởi số lượng nhưng ngán trước chất lượng, độc giả gần như bất lực trước sự “đa dạng mẫu mã” nhưng lại… không rõ xuất xứ của thông tin. Tin tức về nCoV luôn đứng đầu các trang báo điện tử, trở thành “nguồn cảm hứng” trên mạng xã hội, chiếm diện tích lớn trên trang nhất báo giấy, lọt nhóm thịnh hành YouTube, có thời lượng phát sóng nhiều nhất trong chương trình thời sự và trở thành đề tài lớn trong những cuộc chuyện trò. Trên tinh thần “thà đọc lầm chứ không bỏ sót”, mọi người không ngừng tìm, chia sẻ và bàn luận nhiệt tình.

Trong đó, những thông tin được quảng cáo “tuyệt mật” hay có sự “bảo kê” của người nổi tiếng là những nội dung được đặc biệt tin dùng. Nhưng đây cũng là những nguồn tin thường xuyên bị cơ quan chức năng bác bỏ, đính chính và mạnh tay xử lí. Họ là những kẻ tung tin đồn thất thiệt nhằm thu hút sự chú ý, lan truyền tin nhắn thoại vô căn cứ vì mục đích chia rẽ. Thậm chí, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, diễn viên Cát Phượng chia sẻ thông tin chưa xác thực trong lúc nóng vội. Thẩm định thông tin dần trở thành một việc mang tính thử thách cao khi mọi người nhận ra có một thứ đã thật sự bùng nổ cùng dịch bệnh: “cuộc khủng hoảng niềm tin”.

Giận thì giận, mà thương thì thương

Tình trạng quá tải thông tin dẫn đến mắc lỗi kiểm soát trong thời gian qua là không thể phủ nhận ở báo chí. Tuy nhiên, về phía độc giả, việc nhầm lẫn về thông tin báo chí cũng đã dẫn đến những lời kết tội vội vàng. Ngoài cơ quan báo chí chính thống được pháp luật công nhận, thông tin báo chí còn được dẫn nguồn trên trang tin điện tử hay đăng tải trên các diễn đàn mở. Các bài viết có hình thức giống những bài báo nhưng có nguồn từ blog, khai thác chuyện “hậu trường”, có tít kích thích sự tò mò, chưa được kiểm chứng, không công khai người chịu trách nhiệm,... chỉ là thông tin “ký sinh” báo chí, tức báo chí lá cải.

Tỉnh táo đọc báo "thời Corona" ảnh 2

Bạn Ngọc Dung (18 tuổi, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) tâm sự: “Mình đọc nhiều bình luận trái chiều về nghề báo bên dưới các bài viết trôi nổi trên mạng xã hội. Nhưng mình chỉ buồn một chút thôi vì tác giả của những bài báo lá cải ấy chỉ là những “nhà báo salon” - tên gọi những người chỉ góp nhặt tin tức chưa được kiểm chứng trên mạng, chứ không thực sự tác nghiệp để thu thập thông tin giá trị”.

Cùng một lúc, báo chí chính thống phải thực hiện hai trọng trách: cập nhật tin tức xác thực và đính chính thông tin sai lệch. Không chỉ báo giấy được xuất bản hằng ngày, các trang báo điện tử cũng liên tục đăng tải tin, bài về tình hình dịch bệnh. Một số báo còn phát triển kênh YouTube riêng, thực hiện các bản tin trực tiếp, phóng sự,... Tất cả nỗ lực nhằm giúp công chúng tiếp cận được nguồn tin chính thống.

Tỉnh táo đọc báo "thời Corona" ảnh 3

Bạn Diệp Uyên (làm việc tại Báo Thanh Niên) tiết lộ mình cùng đồng nghiệp đã được vận động làm từ mùng 3 Tết, ngay khi có tin virus ở Việt Nam. Riêng kênh YouTube do nhóm bạn quản lý cũng được tăng tốc triển khai để các tin, bài được đề xuất cùng các báo khác, tránh tình trạng bị lấn ép bởi tin giả. “Ba mẹ phải đi chúc Tết riêng vì mình ngồi trực tin mỗi ngày. Từ ngày 01/02, Báo Thanh Niên cũng sản xuất bản tin về virus Corona mỗi ngày, nên công việc cũng nhiều hơn. Mình còn tranh thủ ăn sáng trong lúc trực, ăn một đũa xem một lần để kịp thời loại bỏ những bình luận tục tĩu. Thức thì đối chiếu thông tin với các nguồn từ Trung Quốc, ngủ thì nằm mơ thấy mình xuất clip Corona…” - Uyên kể về khoảng thời gian làm việc liên tục gần đây của mình cùng cơ quan. Ghi hình trong phòng cách ly, đưa tin trong thời điểm đỉnh dịch,... còn nhiều hơn nữa những cố gắng đáng ghi nhận của báo chí Việt Nam.

Trở thành những độc giả nói “Không” với độc - giả

Đọc tin tức hiện là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình. Bổ sung cho mình những thông tin cần thiết và cập nhật tình hình dịch bệnh một cách đúng… nguồn, đúng thời điểm sẽ giúp bạn có cái nhìn nhẹ nhàng mà không hời hợt về virus Corona, tránh việc tiền mất - tật mang trong thời điểm niềm tin dễ dàng bị lợi dụng.

Tỉnh táo đọc báo "thời Corona" ảnh 4

Bạn Minh Anh (19 tuổi, TP.HCM) tạo nhóm nhắn tin gia đình để cập nhật tin tức từ trang tin của Bộ Y tế, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên,... cho cả nhà sau khi thấy bà nội cùng bố mẹ hoang mang trong những ngày đầu phát dịch. Cũng sử dụng biện pháp mạnh tay này, bạn Thiên Long (19 tuổi, TP.HCM) cắt hết các kênh thông tin không chính thống để giúp gia đình tin tưởng cập nhật thông tin từ WHO và báo nước ngoài về dịch bệnh.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Giảng viên Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đưa ra lời khuyên: “Mọi nguồn tin chỉ có tính tương đối bởi vì báo chính thống đôi khi cũng mắc lỗi. Cô khuyến khích các bạn tìm tin tức ở các tờ báo chính thống và những kênh thông báo chính thức của Bộ Y tế, và không quên giữ thái độ bình tĩnh để chờ diễn biến mới hoặc đánh giá từ chuyên gia”.

Tỉnh táo đọc báo "thời Corona" ảnh 5

Nhà Hoa gửi tặng bạn đọc cách nhận diện cơ quan báo chí chính thống, trích từ bài giảng được nhiều sinh viên yêu thích của cô Minh Nguyệt:

Bước 1: Kéo đến chân trang (phần cuối trang báo điện tử).

Bước 2: “Điểm danh” một trong các từ khóa thể hiện sự đáng tin sau: “Tổng biên tập”, “Xuất bản”, “Tòa soạn”. Nếu tất cả đều “vắng mặt”, hi vọng cuối cùng nằm ở phần giấy phép hoạt động được công nhận “Báo điện tử” hay “BĐT”.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm