“Tình trạng trẻ em đường phố” vào đề thi chuyên Văn lớp 10

“Tình trạng trẻ em đường phố” vào đề thi chuyên Văn lớp 10
HHT - Cả 2 câu trong đề thi môn Văn chuyên vào lớp 10 trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng nay đều khá “mở” để thí sinh bày tỏ nhiều cảm xúc của mình.

Sáng ngày 29/5, học sinh thi vào lớp 10 trường Phổ thông Năng khiếu vừa trải qua buổi thi môn Văn ở hệ chuyên với thời gian 150 phút. Ngay sau buổi thi, nhiều học sinh cho rằng đề khá nhẹ so với yêu cầu để vào lớp chuyên.

Thanh Nam, học sinh ở quận 5 cho biết mình thích câu 1 của đề vì liên hệ thực tế nhiều. “Khi đề yêu cầu liên hệ tình trạng trẻ em đường phố, em nhớ liền tới cảnh mấy em nhỏ đi xin và bán vé số thường gặp mỗi khi mẹ chở đi học. Em nghĩ nhiều lúc các bạn ấy không chỉ thiếu ăn, mặc mà còn phải đối mặt nhiều rủi ro trong cuộc sống. Trong bài em cũng bày tỏ mong muốn làm thế nào để hạn chế tình trạng này”, Nam bày tỏ.

Câu 1 của đề văn như sau:

“Trong chương trình môn Ngữ văn lớp 8 có truyện “Cô bé bán diêm” của nhà văn Hans Christian Andersen. Anh/ chị suy nghĩ như thế nào về kết thúc của câu chuyện? Liên hệ với tình trạng trẻ em đường phố hiện nay.”

“Tình trạng trẻ em đường phố” vào đề thi chuyên Văn lớp 10 ảnh 1

Đề văn chuyên vào lớp 10 của trường Phổ thông Năng khiếu.

Trong khi đó, một giáo viên dạy văn tại một trường THCS ở Quận 1 thì đánh giá rằng đề văn chuyên của trường Phổ thông Năng khiếu năm nay không mới, không lạ cũng có sự sáng tạo như mọi năm, tuy nhiên học sinh cũng sẽ dễ viết được chứ không phải “đánh đố” học sinh.

Theo giáo viên này, nội dung câu hỏi số 1 cũng liên hệ với thực tế đời sống và trong quá trình giáo viên dạy cũng thường hướng học sinh đến những vấn đề như thế.

“Riêng với câu 2, về “đọc là sáng tạo, khám phá” thì cũng nghiêng nhiều về sự trải nghiệm, sự khám phá ngay trong chính bản thân mỗi học sinh trước một tác phẩm văn học hay một vấn đề văn học nào đó. Nội dung đề này sẽ khá thuận lợi, không khó để các em viết được những gì của mình, thể hiện cảm xúc của bản thân mình nhiều hơn”, vị này chia sẻ.

Nội dung câu 2 của đề như sau:

“Trong bài viết “Khám phá người đọc”, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương viết: “Đọc là khám phá, sáng tạo lại tác phẩm và cũng đồng thời là khám phá, sáng tạo chính bản thân mình”. (Hãy cầm lấy và đọc. Huỳnh Như Phương, Nxb Tổng hợp 2016, tr.56)

Anh/chị suy nghĩ gì về ý kiến trên? Qua những tác phẩm đã học hoặc đã đọc, anh/ chị hãy giới thiệu một tác phẩm đã góp phần bồi đắp nên tâm hồn mình.”

Theo Dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm