Mới đây, 7 nhân viên ở một trang trại nuôi gà tại Nga được báo cáo là đã nhiễm virus H5N8, sau khi virus này gây một đợt bùng phát dịch ở gia cầm vào tháng 12/2020.
Đây được cho là những ca đầu tiên được báo cáo trên thế giới, với virus cúm gia cầm H5N8 nhiễm từ gia cầm sang người. Chủng virus này đã được báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặc dù, hiện nay cả 7 ca nhiễm đều đã bình phục.
Vậy virus H5N8 là gì?
Đây là một “nhóm phụ” của virus cúm A, gây ra các triệu chứng giống như cúm ở gia cầm và các loài chim hoang dã. Loại virus này rất nguy hiểm ở chim chóc và gia cầm, nhưng đến hiện tại thì có vẻ vẫn gây nguy cơ thấp ở người.
H5N8 là loại virus rất nguy hiểm đối với gia cầm. Ảnh: Jagran Josh.
Virus H5N8 có giống với chủng H1N1 gây dịch cúm A cho người ở Việt Nam không?
H5N8 khác với chủng virus cúm H1N1, và H1N1 phổ biến hơn. H1N1 đã gây nhiễm bệnh cho nhiều người ở khắp thế giới và gây các đợt bùng phát bệnh ở một số quốc gia, tại một số thời điểm. Vào mùa xuân, trẻ em ở Việt Nam cũng hay nhiễm cúm A H1N1.
Cũng đã có những đợt bùng phát H5N8 trong quá khứ, nhưng trước đây, người ta chưa thấy nó có thể nhiễm cho người.
Vậy làm sao mà H5N8 lại lây cho người ở Nga?
Theo những thông tin ban đầu thì cả 7 ca nhiễm ở Nga đều là những nhân viên ở trang trại, tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều gia cầm. Trong đợt bùng phát dịch ở gà tại đây, lượng virus trong môi trường là rất lớn và có thể rất mạnh, nên có lẽ đã lây sang người.
Những người Nga bị nhiễm H5N8 đều là nhân viên ở trang trại nuôi gà. Ảnh minh họa: ANI Photo.
Chủng H5N8 có nguy hiểm cho người không?
Đến nay, chủng virus này chưa có vẻ sẽ dễ gây tử vong ở người. Tất cả các nhân viên ở Nga bị nhiễm đều không có triệu chứng.
Liệu rồi H5N8 có lây từ người sang người không?
Vì 7 người bị nhiễm bệnh ở Nga đều không có triệu chứng, nên chưa có báo cáo hay bằng chứng nào cho thấy virus này lây từ người sang người. Hiện nay, các nhà khoa học cũng đang thu thập thêm thông tin để đánh giá nguy cơ của virus này đối với cộng đồng.
Một người đang được kiểm tra thân nhiệt ở sân bay tại Đài Loan trong một đợt bùng phát cúm gia cầm trước đây (không phải chủng H5N8). Ảnh: SAM YEH/ AFP/ Getty Images.
Vậy tại sao WHO lại phải cảnh báo rằng các nước nên cảnh giác?
Theo các chuyên gia y tế, thì việc cảnh báo này là “để cho tất cả chúng ta, cả thế giới, có thời gian chuẩn bị cho những đột biến tiềm năng của virus H5N8, cũng như sẵn sàng phản ứng kịp thời, chẳng hạn như phát triển các hệ thống xét nghiệm và các loại vắc-xin”.
Trong quá khứ, H5N8 từng gây nhiều đợt bùng phát bệnh ở gia cầm. Ảnh: EPA.
Vậy việc ăn thịt gia cầm có nguy hiểm không?
Phần lớn các ca nhiễm cúm gia cầm ở người đều là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các loại chim chóc hay gia cầm có nhiễm bệnh. Cho nên, những người làm việc ở các trang trại gia cầm mới có nguy cơ cao nhất. Còn theo các hướng dẫn y tế hiện tại thì việc ăn thịt và trứng gia cầm nấu chín kỹ vẫn là an toàn.