Toàn cảnh vụ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện ra tòa

TPO - Trong vụ án hành chính công ty Vietart kiện Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội "gây phiền hà", khó khăn cho doanh nghiệp, hội đồng xét xử đã bác toàn bộ đơn khởi kiện của Vietart. Trước đó, công ty này khẳng định Sở VHTT Hà Nội kéo dài thời gian thủ tục hành chính, tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật. 

Tòa bác đơn kiện, doanh nghiệp chịu bồi thường

Ngày 1/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm vụ án hành chính xem xét đơn của Công ty cổ phần Truyền thông Vietart khởi kiện Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội. Lý do khởi kiện được Vietart đưa ra là Sở VHTT Hà Nội "kéo dài thời gian, gây khó khăn" cấp phép vở diễn Tiếng trống Mê Linh khiến họ thua lỗ.

Chiều 2/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án. Hội đồng xét xử bác toàn bộ đơn khởi kiện của Vietart. Hội đồng xét xử nhận xét ngay từ khi Vietart nộp hồ sơ, Sở VHTT Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian.

Toàn cảnh vụ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện ra tòa ảnh 1Toàn cảnh vụ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện ra tòa ảnh 2

Đại diện Vietart tại phiên sơ thẩm.

“Ngay từ đầu, Vietart không chủ động thực hiện đúng quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Thực tế là Vietart đã nhiều lần bị phản ánh đến Sở VHTT về việc không tuân thủ quy định quyền tác giả. Vì vậy, khi xin cấp phép vở cải lương, Sở yêu cầu Vietart bổ sung thêm thông tin là cần thiết”, Hội đồng xét xử nhận định.

Hội đồng cũng đánh giá Sở VHTT Hà Nội sâu sát trong việc chấp thuận xem xét để công ty Vietart tổ chức biểu diễn vở cải lương vừa đảm bảo tiến độ của công ty cũng đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội bác bỏ toàn bộ khởi kiện của công ty Vietart và buộc doanh nghiệp này phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm và hơn 30 triệu đồng án phí dân sự.

Gần 2 tháng vướng mắc cấp phép biểu diễn

Khúc mắc giữa Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart và Sở VHTT Hà Nội bắt đầu từ ngày 5/8/2022. Đó là thời điểm đơn vị này nộp hồ sơ xin cấp phép biểu diễn nghệ thuật đối với chương trình Ngôi sao phương Nam số 10, vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Tới ngày 12/8/2022, Sở VHTT Hà Nội có văn bản trả lời, trong đó đề nghị Vietart thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Văn bản này theo Vietart là vi phạm Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bởi tài liệu mà Sở VHTT Hà Nội yêu cầu Vietart phải bổ sung không nằm trong các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 3, Điều 10 của Nghị định này.

Toàn cảnh vụ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện ra tòa ảnh 3
Buổi biểu diễn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh tối 15/10/2022.

Đại diện công ty cũng khẳng định văn bản hồi âm của Sở VHTT Hà Nội cũng vi phạm thời hạn được quy định trong Nghị định 144/2022/NĐ-CP: “Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ”.

Vietart vẫn bổ sung giải trình cụ thể về quyền tác giả của tác phẩm biểu diễn. Ngày 24/8, Sở VHTT Hà Nội tiếp tục có văn bản thông báo về việc đã giao Hội đồng nghệ thuật của Sở VHTT thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật kịch bản vở cải lương.

Bà Đoàn Thúy Phương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart - cho biết sau 2 văn bản trên, Sở VHTT Hà Nội không có bất kỳ văn bản nào thông báo kết quả thẩm định hay tiến trình giải quyết hồ sơ xin cấp phép biểu diễn chương trình Tiếng trống Mê Linh. Sau đó, Vietart nhận được thông báo hồ sơ quá thời hạn 5 ngày làm việc nên yêu cầu nộp lại. Đó là lý do khiến công ty nộp lại hồ sơ vào ngày 5/9/2022.

"Tiếp đó, Sở VHTT đưa ra yêu cầu chỉnh sửa kịch bản vở cải lương, cụ thể chỉnh lại một số từ ngữ, lời thoại cho phù hợp. Yêu cầu này sau đó được Vietart thực hiện và tiến hành nộp lại hồ sơ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, một lần nữa Sở ban hành văn bản thông báo về việc sẽ giao Hội đồng nghệ thuật của Sở thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật kịch bản cải lương sau khi được chỉnh sửa", bà Phương cho biết.

Toàn cảnh vụ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện ra tòa ảnh 4

Đại diện công ty cho biết việc thay đổi thời gian tổng duyệt khiến ê-kíp tổ chức chương trình gặp khó. Ảnh: Vietart

Ngày 27/9/2022, theo nội dung tin nhắn của chuyên viên Sở VHTT Hà Nội, Vietart tiếp tục nộp lại hồ sơ dựa trên yêu cầu chỉnh sửa kịch bản. Ngày 3/10/2022, Sở VHTT Hà Nội ban hành văn bản chấp thuận cho công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Vietart cho rằng Sở VHTT Hà Nội kéo dài thời gian thủ tục hành chính, tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật. Sở yêu cầu công ty này thay đổi ngày tổng duyệt từ ngày 15/10/2022 sang ngày 12/10/2022. Đại diện công ty khẳng định thời điểm tổng duyệt này gây khó khăn bởi trùng ngày với buổi tổng duyệt đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang.

"Việc đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm vài ngày đồng nghĩa với nhiều chi phí bị đội lên như vé máy bay đi lại, chỗ ăn, nghỉ của đoàn nghệ sĩ, chi phí hậu đài, máy móc thiết bị phải thuê sớm hơn…Vietart hai lần gửi công văn yêu cầu tổng duyệt ngày 15/10/2022 và phải tổng duyệt trên sân khấu của chương trình cải lương, nhưng tất cả đều bị yêu cầu giữ nguyên lịch tổng duyệt ban đầu. Công ty thêm lần nữa phải gửi văn bản kiến nghị trực tiếp với Giám đốc Sở VHTT Hà Nội mới được chấp thuận đề xuất tổng duyệt vào chiều 15/10/2022 - trước thời điểm chương trình diễn ra vào buổi tối", bà Đoàn Thùy Phương cho biết.

Vietart cũng quyết định khởi kiện Sở VHTT Hà Nội bởi Sở ban hành văn bản cấp phép khi chỉ còn 9 ngày nữa là chương trình diễn ra. Điều này khiến doanh nghiệp không kịp thời hạn gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tới cơ quan có thẩm quyền.

"Trong khi đó, đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn ngoài đường là phương tiện quảng cáo mang tính hiệu quả nhất. Vì thế mà vé của chương trình Tiếng trống Mê Linh tối 15 và 16/10/2022 chỉ bán được khoảng 200 vé, trong khi số vé phát hành tổng cả 2 đêm là 1.100 vé. Việc kéo dài thời gian cấp phép đã khiến cho Vietart không đủ thời gian để bán vé, quảng cáo, bị chịu lỗ toàn bộ chi phí tổ chức chương trình", lãnh đạo Vietart bày tỏ.

Toàn cảnh vụ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện ra tòa ảnh 5
Tiếng trống Mê Linh là một trong những vở diễn kinh điển của sân khấu cải lương Việt Nam.

Phản hồi về thông tin mà Vietart đưa ra, Sở VHTT Hà Nội cho biết hồ sơ đề nghị chấp thuận biểu diễn nghệ thuật của Vietart được cơ quan này tiếp nhận ngày 5/8. Quá trình thụ lý hồ sơ, cơ quan quản lý nhận thấy Vietart chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật, chưa cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Ngày 3/10/2022, Sở mới có văn bản chấp thuận cho Vietart tổ chức chương trình nhưng doanh nghiệp này quảng cáo, bán vé trên mạng xã hội từ đầu tháng 9/2022.

Về vấn đề thay đổi thời gian tổng duyệt, Sở VHTT cho rằng đây là cách để có thời gian xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên. Sở VHTT Hà Nội khẳng định không gây thiệt hại nên bác toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vietart.

Tin liên quan