Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền
HHT - Không chọn cố đô Mandalay hay Bagan, tôi đến với những tỉnh lẻ vẫn còn nhiều lạ lẫm như Sagaing, Mon để thấy một Myanmar với những khung cảnh thân thuộc như ở Việt Nam nhưng không kém phần hấp dẫn.

Vùng đất yên bình với nếp sống giản dị

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 1
Đường sá rất ít phương tiện giao thông

Từ sân bay Madalay, đi ô tô phải mất 3 tiếng đồng hồ để tới được Sagaing. Sagaing là vùng có diện tích lớn nhất Myanamar với nhiều tu viện và đền chùa – một nét đặc trưng của văn hóa Myanmar – như tu viện hình vòm thếp vàng Kaung HmuDaw, hoàn toàn khác biệt so với các kiến trúc hình tháp nhọn. Chúng tôi thuê một chiếc xe 16 chỗ thuộc dòng xe second-hand của Nhật với bác tài nói tiếng Anh khá tốt và rất vui tính. Điều làm chúng tôi thấy ấn tượng là mặc dù xe tay lái nghịch nhưng luật đi đường của Myanmar lại là theo tay phải. Nên khi xuống xe, mở cửa ra, chúng tôi xuống ngay giữa đường, cũng khá nguy hiểm. May sao đường không có nhiều phương tiện tham gia giao thông.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 2
Khá giống với xe lam của người Sài Gòn

Chiếc xe êm ái lướt đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, xung quanh toàn đất đai mênh mông. Nhiều nơi không thấy một bóng người. Theo Min Thet – bác tài xế, đường ở đây chủ yếu đều là đường BOT, được xây dựng liên tục. Có tiền tới đâu sẽ mở rộng thêm hai bên tới đó. Dọc đường, chúng tôi cũng thấy có rất nhiều trạm thu phí. Bên trong trạm thu phí có hàng chục các cô gái trẻ ngồi ghi vé bằng tay, không hề có sự xuất hiện của máy vi tính. Min Thet giải thích vì thiếu điện, và đường sá mới mở cửa nên công nghệ ở đây chưa phát triển. Hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước đều làm việc qua giấy tờ viết tay, rất ít máy tính được kết nối internet. Giá thu phí qua đường cũng rất rẻ tính ra tiền Việt chỉ từ 3.500 – 8000 đồng/vé.

Điều khiến chúng tôi tò mò là ngoài các trạm BOT của nhà nước, đoạn đường ngay trước một ngôi chùa nào đó thỉnh thoảng có trạm thu phí để hỗ trợ nhà chùa. Có đoạn mới đóng phí xong, lại thấy ngay một trạm của nhà chùa. Nhưng bác tài xế vẫn rất niềm nở đưa tiền hỗ trợ. “Chúng tôi rất sẵn lòng đóng góp cho nhà chùa. Thậm chí có thể tặng cả tháng lương cho nhà chùa” – Min Thet cho hay. Người dân Myanmar rất gắn bó và sùng đạo Phật. Tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện phật giáo, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 3
Cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ phật giáo

Sagaing có diện tích lên tới 94.000 km2 nhưng chỉ có vẻn vẹn 5,5 triệu dân, sống tập trung ở 10 quận và 37 huyện. Đi từ đầu tỉnh tới cuối tỉnh có khi mất cả ngày đường. Dân số chủ yếu tập trung sống ở các trung tâm thị trấn và làm nông nghiệp là chủ yếu. Đất đai màu mỡ nhưng hầu hết không được trồng cấy gì. Một phần do mùa mưa kéo dài ở đây và một phần không có người làm.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 4
Khung cảnh rất đỗi yên bình

Giống như ở Mandalay, cuộc sống của người dân ở tỉnh lẻ cũng rất trầm lặng, êm ả. Có lẽ đất nước này thấm nhuần những lời dạy của Đức Phật về một đời sống giản đơn. Giờ làm việc ở đây bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc lúc 4 giờ 30. Làm việc thâu qua trưa không nghỉ. Nhà hàng cũng chỉ mở tới 6 giờ tối là đóng cửa. Khi biết chúng tôi là những vị khách đến từ Việt Nam, chủ nhà hàng và đội phục vụ đã “miễn cưỡng” một cách vui vẻ cho chúng tôi ngồi tới 8 giờ tối.

Thấp thoáng bóng hình Việt Nam

Để tới được ban Mon, bạn phải đi ô tô từ thủ đô Yangon. Giống với Sagaing, quãng đường từ Yangon tới Mon mất tới gần 5 tiếng đồng hồ, nhưng đường cực êm và đi xuyên qua những rừng cao su bạt ngàn mướt mắt rất đã. Chúng tôi có cảm tưởng mình đang từ Bình Phước lên Đắk Nông ở Việt Nam. Những con mưa lớn xối xả đổ ập xuống kính xe, mùa mưa ở Myanmar rất khác, mưa từ sáng đến tối nhiều ngày không dứt. May sao mùa mưa chỉ kéo dài 3 tháng.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 5
Mùa mưa chỉ kéo dài 3 tháng

Myanmar đặc biệt rất thiếu điện, việc cắt điện xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt vào mùa mưa, vùng nông thôn hầu như không có điện.Việc này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc chế biến món ăn của người Myanmar. Đồ ăn Myanmar có thể nói là “siêu mặn”. Do sản lượng điện ở Myanmar tương đối thấp nên đa số người dân không sử dụng tủ lạnh trong khi tiết trời nắng nóng quanh năm. Vì vậy để đồ ăn giữ được lâu hơn, không biết tự bao giờ, người Myanmar có thói quen nấu mặn hơn một chút.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 6
Họ đã quen với việc sống thiếu điện

Tuy nhiên không phải tất cả đồ ăn đều không hợp khẩu vị, cũng có khá nhiều món ăn độc đáo, lạ miệng, gây được ấn tượng mạnh với chúng tôi. Ví như món Mohingar, gần giống với phở của Việt Nam nhưng có sợi to hơn, nước dùng rất thơm và béo ngậy nhưng thật lạ là trong bát không có lấy một miếng thịt nào.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 7
Đồ ăn được nêm nếm khá mặn

Ở Mon, dân cư có nghề buôn bán từ lâu đời nên kinh tế của người dân cũng khá giả, và giáp biển nên có rất nhiều làng chài đánh bắt thủy sản. Điều gây ấn tượng đầu tiên với chúng tôi trong nhiều ngày đặt chân tới đất nước Myanmar là hầu như người dân nào cũng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, mặc dù cước sử dụng internet và cuộc gọi đắt đỏ vô cùng. Hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại để vào mạng internet chứ không dùng máy tính, kể cả các cơ quan nhà nước. Trung bình một sinh viên đại học ở Mon tốn khoảng 10USD để vào mạng internet. Ngoài các nhà mạng thuộc nhà nước, hiện đang có rất nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào đất nước này, tạo ra một cuộc bùng nổ về công nghệ di động, viễn thông trên toàn đất nước Myanmar. Chúng tôi dự đoán, chẳng mấy chốc, đất nước này sẽ thay đổi hoàn toàn.

Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 8
Người Myanmar vô cùng thân thiện 
Tôi đã được chiêm ngưỡng một Myanmar thật khác, không chỉ có chùa chiền ảnh 9
Và hiếu khách

Khi chúng tôi đang đi thăm thú đường phố, được một người dân mời cả đoàn vào ăn tiệc. Hỏi ra mới biết hôm đó chủ nhà làm cơm miễn phí mời tất cả mọi người xung quanh đến ăn nhân dịp con trai chủ nhà thi đỗ đại học. Chủ nhà mời bất kể cả người lạ hay người quen, cứ đi qua thì được mời vào ăn miễn phí. Theo tiếng Myanmar, tục lệ này gọi là “Ah-lhu” - vào ngày này chủ nhà sẽ làm cơm và mời mọi người ăn miễn phí trong buổi sáng đến trưa cho đến khi nào hết đồ ăn. Ngày “Ah-lhu” này thường được tổ chức nhân các dịp: con cái lập gia đình, thi đỗ, sinh con đẻ cái, hoặc có người nhà mất. Trước tiên, họ sẽ mời các nhà sư trong chùa quanh vùng trước, sau đó đến người dân thường. Chủ nhà mời ăn miễn phí và không yêu cầu gì hết. Thích ha!

Chỉ 8 ngày ngắn ngủi trên đất Myanmar, chúng tôi không biết đã đi qua bao nhiều ngôi chùa, ngắm bao nhiêu bức tượng, hòa mình cùng với cuộc sống giản dị của người dân. Nhưng điều để lại ấn tượng sâu sắc là những con người tốt bụng, thân thiện và những câu chuyện tai nghe mắt thấy được trải nghiệm hằng ngày với cuộc sống của họ.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm