Tháng 6 năm đó, trong những ngày lang thang ở Manila, tôi đã đọc ngấu nghiến quyển “A thousand days in Venice” (Một ngàn ngày ở Venice) của tác giả Marlena de Blasi, quyển sách tôi tình cờ nhặt được từ hostel nơi tôi ở. Và rồi như định mệnh, hai tháng sau, tôi đã ngồi trên thuyền gondola len lỏi giữa Venice!
Đó là một hành trình dài có phần đơn độc khi tôi lang thang từ Paris sang Đông Âu rồi trở về nước Ý theo hướng Thụy Sỹ. Nhưng thật lòng, tôi chẳng đủ thời gian để tường thuật lại bởi trước mắt tôi là bến tàu Santa Lucia - cửa ngỏ dẫn vào Venice từ phía Tây. Tôi là một trong những du khách có mặt sớm nhất ở bến tàu này. Mặc dù phía trước là cả một màn sương dày đặc với tầm nhìn xa chưa tới 10m, lòng tôi vẫn chói lòa hy vọng vì chỉ một lúc nữa thôi tôi sẽ được chạm vào Venice – thành phố trong mơ của tôi.
Muốn tới Venice, du khách phải ngồi trên một chiếc thuyền mà người ta gọi là taxi nước hoặc “water bus”. Trong 20 phút đầu xuôi dòng Kênh Lớn (Grand Canal), tôi vẫn chẳng trông thấy gì ngoài một màu sương xám mênh mang cùng tiếng động cơ mặc dù hướng dẫn viên ra sức thuyết minh bên phải là lâu đài này, bên trái là nhà thờ nọ. Đến 10 phút sau, thành phố nổi mới dần dần hiện ra như một phép màu với những dãy ngói đỏ và những công trình cổ kính hàng trăm năm tuổi. Tôi biết mình đã đến Venice khi nhìn thấy những ô cửa mái vòm và những hàng cột tròn nhiều hoa văn của Khách sạn Danieli, nơi nàng Elise và Frank trong phim “The tourist” đã nghỉ lại.
Thành phố vẫn chưa tỉnh giấc nhưng đám bồ câu trên quảng trường Piazza San Marco đã dập dìu chao liệng. Tôi dừng lại trước một cửa hiệu cà phê mở sớm có người nghệ sĩ chơi accordion những điệu vui tai. Trên bờ kênh lớn, những chiếc thuyền gondola mũi cong nằm gối đầu đợi khách và những tòa nhà mọc lên từ mặt nước mờ sương. Tôi thích thú phát hiện ra những con hẻm nhỏ nằm nằm phía sau quảng trường, mỗi con đường dẫn vào một khu phố bí mật với những ngôi nhà duyên dáng, những tiệm café nhỏ xinh và các cửa hàng bán đồ thủy tinh lấp lánh sắc màu.
Venice hay Venezia trong tiếng Ý, là thành phố nhỏ nằm trong tỉnh Venice bao gồm khoảng 118 đảo nhỏ nổi trên mặt biển cùng 175 kênh đào. Tất cả được kết nối với nhau bằng 445 cây cầu xinh đẹp. Từ nhiều thế kỷ trước nơi này đã nổi tiếng là một chốn nghỉ dưỡng của giới thượng lưu với rất nhiều công trình kiến trúc nguy nga và kiên cố. Người ta ước tính Venice còn lưu giữ 120 nhà thờ kiểu Phục Hưng, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện. Mặc dù mỗi năm, vùng biển này đều bị tàn phá bởi những trận lũ lụt, nhưng người dân Venice vẫn quyết tâm gìn giữ những di sản văn hóa lịch sử - bảo vật vô giá của thành phố.
Để được trải nghiệm Venice như người bản xứ, tôi đặt một tour đi thuyền gondola với lái thuyền là một anh chàng người Ý trong trang phục thủy thủ. Chiếc thuyền gỗ mũi cong khẽ khàng trôi êm trên những con rạch nhỏ. Hai bên là bậc thềm bước vào những ngôi nhà được xây từ nhiều thế kỷ trước với tường phủ rêu xanh và những ban công rực rỡ hoa mùa hè. Venice mở cửa cho hàng nghìn du khách mỗi ngày, nhưng đóng kín trước những đổi thay của kiến trúc tân thời. Thành phố nổi vẫn khoác lên người những bộ áo kiều diễm của lối kiến trúc Gothic.
Giữa trưa, sương mù đã dần tan, ngồi trên thuyền tôi có thể đọc được tên các khách sạn, các quán café từ cách xa hàng chục mét. Nhưng thú vị nhất là được ngắm nhìn những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của các cặp đôi trên những con thuyền khác. Chẳng phải người ta dành cho Venice nhiều tên gọi mĩ miều như thành phố lãng mạn, thành phố tình yêu, thành phố trên sông, thành phố của những cây cầu hay nữ hoàng biển Adriatic.
Rời thuyền gondola, tôi đến thăm nhà máy làm thủy tinh thủ công Morano và ăn một ly gelato (kem thủ công truyền thống Ý) cỡ lớn trước khi dùng bữa trưa tại một nhà hàng truyền thống đã đặt trước. Chúng tôi được ăn spaghetti mực đen với nước sốt được làm từ mực của những con mực. Mùi vị độc đáo và khá ngon miệng. Đây cũng là một món đặc sản nổi tiếng trên đất Ý. Bữa trưa còn có các loại hải sản chiên kèm rượu vang trắng và tráng miệng bằng bánh tiramisu phô mai. Chưa kể đến các cảnh quan hay văn hóa nghệ thuật, chỉ riêng sự tinh tế trong ẩm thực cũng đủ khiến du khách phải lòng Venice rồi.
Bạn có thể yêu một người ngay lần đầu tiên nhìn thấy họ đi giữa quãng trường đông người? Để rồi một năm sau gặp lại, bạn tin chắc rằng đó là định mệnh? Như Fernando và Marlena trong “Một ngàn ngày ở Venice”. Tôi đã đi qua đi lại cả chục lần ở quảng trường Piazza San Marco dù biết chẳng có một Fernando nào đang nhìn tôi cả. Tôi không tìm kiếm một cuộc gặp gỡ định mệnh nhưng tôi hạnh phúc vì được chạm vào một trong những giấc mơ của mình.