Tổng thống Mỹ Biden khẩn cầu phe Cộng hòa chớ để Nga thắng ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa khẩn thiết kêu gọi phe Cộng hòa đồng ý với gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Ông cho rằng nếu Nga thắng ở Ukraine, Mátxcơva có thể tấn công các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và kéo quân đội Mỹ vào chiến tranh.
Tổng thống Mỹ Biden khẩn cầu phe Cộng hòa chớ để Nga thắng ở Ukraine ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) cùng người đồng cấp Ukraine Volodymir Zelensky bước trên hành lang ở Nhà Trắng trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine ngày 21/9. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu được đưa ra ngày 6/12, trong bối cảnh Nhà Trắng kiến nghị Quốc hội thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Tổng thống Biden thể hiện sẵn sàng chấp nhận những thay đổi đáng kể trong chính sách nhập cư của Mỹ ở biên giới với Mexico để nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Ông cho rằng nếu Nga thắng ở Ukraine, Mátxcơva “không dừng lại ở đó” mà sẽ tấn công một đồng minh trong NATO. “Chúng ta sẽ đối mặt với điều mà chúng ta không muốn: Binh lính Mỹ sẽ phải chiến đấu với binh lính Nga”, ông Biden nói.

“Chúng ta không thể để Tổng thống Nga Vladimir Putin thắng”, Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Phát biểu này vấp phải phản ứng giận dữ từ Mátxcơva.

Hãng tin Nga RIA dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng phát biểu của ông Biden về khả năng nổ ra xung đột Nga – Mỹ là “giọng khiêu khích không thể chấp nhận được đối với một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ sau đó vẫn chặn dự luật viện trợ cho Ukraine và Israel, nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách biên giới chặt chẽ hơn.

Đầu tuần này, Nhà Trắng cảnh báo rằng Mỹ sắp hết thời gian và tiền để giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định Washington vẫn kiên trì quan điểm lâu nay rằng sẽ không ép Ukraine phải đàm phán với Nga.

“Điều đó tùy thuộc vào họ. Chúng tôi chỉ tiếp tục nỗ lực để có được gói này”, ông Sullivan nói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định rằng việc Mỹ rời bỏ Ukraine vào thời điểm này sẽ là một sai lầm lịch sử và chúng tôi tin rằng lập luận đó cuối cùng sẽ thấm sâu và chiếm ưu thế”, ông nói.

Cố vấn an ninh quốc gia cho biết, Tổng thống Biden sẵn sàng tham gia "các cuộc thảo luận hợp lý, có trách nhiệm để đạt được sự đồng thuận của hai đảng về chính sách biên giới và các nguồn lực dành để bảo vệ biên giới".

Giám đốc ngân sách Mỹ Shalanda Young cảnh báo, Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng 97% gói 62,3 tỷ USD mà họ nhận được và Bộ Ngoại giao đã sử dụng toàn bộ số tiền 4,7 tỷ USD mà họ được phân bổ.

An ninh biên giới giữa Mỹ với Mexico là vấn đề đè nặng các cuộc đàm phán về tài trợ cho Ukraine và Israel.

Đảng Cộng hòa ở Hạ viện và Thượng viện muốn việc xây bức tường biên giới như chủ trương của cựu Tổng thống Donald Trump và khôi phục chính sách gây tranh cãi, theo đó những người xin tị nạn phải ở lại Mexico trong thời gian hồ sơ của họ được xem xét.

Tổng thống Biden có cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 trong ngày 6/12. Ông cho biết các đồng minh của Mỹ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài 22 tháng.

“Những người cực đoan của đảng Cộng hòa đang chơi đùa với an ninh quốc gia của chúng ta, giữ gói tài trợ cho Ukraine làm con tin để đòi một chính sách biên giới cực đoan”, ông Biden nói.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.