Tổng thống Ukraine Zelensky đến Nhật Bản sau quyết định ‘lịch sử’ của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 20/5, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đến thành phố Hirohima, Nhật Bản để trao đổi với các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), sau khi đã thuyết phục các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16.
Tổng thống Ukraine Zelensky đến Nhật Bản sau quyết định ‘lịch sử’ của Mỹ ảnh 1

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đến sân bay Hiroshima chiều 20/5. (Ảnh: Reuters)

Sự tham gia bất ngờ của ông Zelensky vào hội nghị lần này gây chú ý trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài 15 tháng.

Nhà lãnh đạo Ukraine đến Nhật Bản với tâm trạng phấn chấn đáng kể, sau khi Nhà Trắng đưa ra quyết định mà ông gọi là “lịch sử”, về việc cho phép cung cấp F-16 cho Kiev.

Ngoài vấn đề Ukraine, các lãnh đạo G7 còn bàn về nhiều vấn đề khác, như sự cần thiết phải duy trì quan hệ “mang tính xây dựng và ổn định” với Trung Quốc, nhưng cũng cáo buộc Bắc Kinh “chèn ép kinh tế”.

Tuy nhiên, việc ông Zelensky đến Hiroshima và những tranh luận về tương lai cuộc chiến ở Ukraine dường như đã bao trùm hội nghị.

Sau khi hạ cánh, ông Zelensky nói rằng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ mang lại “sự hợp tác lớn hơn vì chiến thắng của chúng tôi”, đồng thời tuyên bố: “Hôm nay, hoà bình đến gần hơn”.

Sau một mùa đông đẫm máu ở chiến trường Bakhmut, lực lượng Ukraine đang tổ chức lại lực lượng cho chiến dịch phản công, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí từ phương Tây.

Các chuyên gia cho rằng, máy bay chiến đấu sẽ nâng cấp đáng kể phi đội thời Liên Xô của Ukraine, giúp nước này có khả năng tốt hơn để tấn công mục tiêu trên không và trên bộ.

F-16 cũng sẽ trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ của phương Tây, khi cuộc chiến chưa biết khi nào sẽ chấm dứt.

Thông điệp đến Trung Quốc

Trước khi ông Zelensky đến, các lãnh đạo G7 ra một tuyên bố chung lên án những nỗ lực “vũ khí hoá” thương mại và các chuỗi cung ứng, tuyên bố những nỗ lực này sẽ “thất bại và đối mặt với hậu quả”. Những ngôn từ này được cho là nói đến Trung Quốc.

G7 cho biết sẽ khắc phục điểm yếu trong các chuỗi cung ứng hàng hoá quan trọng, như khoáng sản, thiết bị bán dẫn và pin.

“Điều chúng ta đã làm trong hơn 20 năm qua với Trung Quốc - khuyến khích tham gia - là đúng, nhưng có lẽ chúng ta nên thận trọng hơn với nguyên vật liệu quan trọng, các chuỗi cung ứng và những yếu tố đó”, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết.

G7 cũng cảnh báo Trung Quốc chớ “quân sự hoá” Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thúc ép Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, G7 cũng khẳng định sẽ tìm kiếm “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Trung Quốc.

Theo AP
MỚI - NÓNG