TPHCM: Cấp cứu trầm cảm ngăn người bệnh tìm đến cái chết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian qua, nhiều trường hợp bị trầm cảm không được hỗ trợ, điều trị kịp thời đã tự kết thúc sự sống của mình. Để chủ động ngăn chặn nguy cơ trên, Sở Y tế TPHCM đã triển khai thí điểm mô hình “cấp cứu trầm cảm”.

Giữa tháng 6/2022 người dân sống tại chung cư LĐ trên địa bàn thành phố Thủ Đức bàng hoàng sau cái chết của 2 cha con anh Đ.M.T (33 tuổi) và cháu Đ.T.M (5 tuổi, cùng quê Hà Nội). Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, nguyên nhân của vụ việc là do anh M.T bị trầm cảm, đã sát hại con mình rồi tự tử.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến trung bình và đáng ngại nhất là thể nặng vì hầu hết người mắc chứng trầm cảm ở thế này thường tự kết thúc sự sống. Cái chết của 2 bố con trên là điển hình trong rất nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến căn bệnh trầm cảm.

Căn bệnh này có thể ngăn chặn, xử lý nếu người bệnh được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

TPHCM: Cấp cứu trầm cảm ngăn người bệnh tìm đến cái chết ảnh 1

Ngành y tế TPHCM triển khai thí điểm mô hình cấp cứu trầm cảm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng

Để ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra, ngày 25/7, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, đang thí điểm mô hình “cấp cứu trầm cảm” nhằm tiếp cận sớm người bệnh để chăm sóc và điều trị chuyên khoa kịp thời đối với những trường hợp trầm cảm thể nặng.

Sở Y tế khuyến cáo cộng đồng khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, thành viên trong tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng cần gọi ngay đến số 115 – số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc số 19001267 (số điện thoại của Bệnh viện Tâm thần TPHCM).

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ tiến hành sàng lọc và báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu 115. Đội cấp cứu ngoại viện 115 sẽ tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.

Dự kiến, thời gian tới, Sở Y tế TPHCM sẽ thiết lập mạng lưới “Cấp cứu trầm cảm”, hỗ trợ tâm thần khẩn cấp. Ngành y tế sẽ tăng cường đào tạo chuyên viên các đơn vị để có khả năng xử trí cấp cứu các vấn đề sức khỏe tâm thần, hỗ trợ khám sàng lọc, tư vấn từ xa giải quyết ngay nhu cầu liên quan đến tâm lý - tâm thần của người bệnh thông qua hệ thống kênh tổng đài và đường dây nóng. Nhân viên y tế sẽ tư vấn dinh dưỡng, chế độ luyện tập, kết hợp các phương pháp y học hiện đại và cổ truyền nâng đỡ tinh thần cho người bị trầm cảm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.

MỚI - NÓNG