Theo đó, đề Ngữ văn sẽ chú trọng sự sáng tạo, thí sinh cần cẩn trọng trong việc nắm vững yêu cầu của đề, có thể cùng một ngữ liệu văn học nhưng sẽ có nhiều câu hỏi khác nhau, không bó hẹp ở riêng câu hỏi nào.
Phần đọc hiểu sẽ yêu cầu đọc và trả lời các câu hỏi liên quan đến một đoạn văn bản trong hoặc ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên năm nay, văn bản sẽ hướng vào một lĩnh vực cụ thể, có thể là Khoa học, Sử, Địa, Giáo dục công dân… chứ không dàn trải như năm trước.
Các giáo viên lưu ý thí sinh nên phân bổ thời gian làm bài hợp lý, phần đọc hiểu chỉ nên làm 10-15 phút, phần nghị luận xã hội làm trong khoảng 40 phút, thời gian còn lại dành cho câu 3.
Môn Toán sẽ tăng các câu hỏi từ thực tiễn so với năm 2017, yêu cầu vận dụng các kiến thức toán học.
Cấu trúc đề thi năm nay sẽ gồm 10 câu hỏi riêng biệt với thang điểm 10, trong đó có 3 điểm về các bài toán về các lĩnh vực khác. Trong tổng thể kiến thức sẽ có 50% là câu hỏi hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa.
Từ câu 1 đến câu 5 kiểm tra sự thông hiểu và vận dụng kiến thức ở dạng cơ bản của thí sinh. Từ câu 6 đến câu 8 là những bài toán thực tế, yêu cầu thí sinh phải hiểu bài và biết cách vận dụng kiến thức môn học vào thực tiễn, có lồng ghép kiến thức một số môn học khác như Vật lí, Hóa. Hai câu 9 và 10 thuộc dạng vận dụng cao nhằm phân hóa thí sinh.
Môn tiếng Anh sẽ có câu mang tính thực tiễn. Thí sinh cần lưu ý khi làm phần viết lại câu và tập sắp xếp câu. Chú ý tránh sai sót hoặc không đúng ý của đề.