TP.HCM: Không nên gượng ép tiết học ngoài nhà trường

TP.HCM: Không nên gượng ép tiết học ngoài nhà trường
HHT - Không phải kiến thức, môn học nào cũng có thể tổ chức tiết học ngoài nhà trường và không thể khoán trắng ... là những ý kiến đóng góp tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tiết học ngoài nhà trường do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 11/10.
TP.HCM: Không nên gượng ép tiết học ngoài nhà trường ảnh 1
Học sinh Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) tham gia tiết học ngoài nhà trường tại chiến hạm hải quân New Zealand. Ảnh: AN TRẦN

Cuối tháng 9, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình tiết học ngoài nhà trường. Trong đó, Sở GD-ĐT triển khai 3 chương trình học tập trải nghiệm tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm Viên, Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi, Khu sinh thái Về quê - Củ Chi. Ngay sau khi nhận văn bản này, nhiều hiệu trưởng các trường băn khoăn về tính “định hướng” tổ chức tại 3 địa điểm nói trên.

Có thể tổ chức ngay trong nhà trường

Trong buổi tọa đàm, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học của Sở, nói rằng đây là mô hình mẫu chứ không phải bắt buộc các trường thực hiện cho dù hội đồng bộ môn đã xây dựng nhiều mô hình trải nghiệm và rút kinh nghiệm nhiều lần, có các phương án kiểm tra đánh giá học sinh (HS) theo đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Có đề nghị các đơn vị giảm chi phí giá vé, tăng cường hoạt động hỗ trợ, cử người tham gia để tạo điều kiện cho HS hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Tân, việc xây dựng nội dung tổ chức tiết học ngoài nhà trường là nhiệm vụ thực hiện trong năm học của nhà trường. Do đó, các trường phải chú ý trong việc thỏa thuận với cha mẹ HS về hình thức tổ chức. Khi đưa HS ra khỏi lớp học sẽ có chi phí phát sinh như phương tiện di chuyển… nên cần có sự trao đổi với cha mẹ để tránh tình trạng dư luận xã hội, cha mẹ HS cho rằng nhà trường dùng phương pháp kiểm tra, đánh giá ép HS tham gia. Các trường có thể tổ chức tiết học ngay tại sân trường, các điểm văn hóa, cơ sở phù hợp gần với nhà trường.

Cần có phản hồi từ học sinh

Nếu điều kiện phụ huynh còn khó khăn thì thực hiện chương trình tiết học như thế nào? Ông Tân cho rằng trong trường hợp thực hiện hoạt động trải nghiệm có chi phí mà HS không tham gia, cần thiết kế thêm chương trình khác tương tự để HS tiếp thu kỹ năng. Tiết học ngoài nhà trường sẽ được xây dựng tốt nếu đồng bộ và có sự đồng thuận của toàn xã hội. Tận dụng cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà tài trợ đưa HS học trải nghiệm có kiến thức, kỹ năng và tổ chức đúng hướng.

Chia sẻ kinh nghiệm tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm và các tiết học “thoát khỏi 4 bức tường”, bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Đinh Thiện Lý (Q.7), nói rằng: “Không phải kiến thức nào cũng tổ chức được tiết học ngoài nhà trường và không nên tham lồng ghép quá nhiều bộ môn vào tiết học. Môn nào cũng có đánh giá nên nếu không khéo sẽ khiến học trò áp lực. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì không đưa quá 2 môn vào tiết học”.

Theo vị hiệu trưởng này, các trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, ngoài việc chọn địa điểm phù hợp, cần thực nghiệm vì chỉ khi thực tế thì nhà trường, giáo viên bộ môn mới biết nội dung nào vận dụng thực tế, nội dung nào để kiểm tra và nội dung nào yêu cầu HS làm bài tập. Bà Trang cũng nhấn mạnh, các trường không thể bỏ qua việc lấy phản hồi của HS.

Tránh tình trạng “dạo chơi” hơn học

Đại diện của Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10) góp ý: “Sở nên thẩm định người hướng dẫn vì đó là người giúp cho HS hiểu bài hơn”. Còn lãnh đạo một trường THPT tại Q.12 cho rằng nếu để công ty du lịch tổ chức, e rằng không hiệu quả. Chỉ có thầy cô trực tiếp mới sát sao. Đồng thời, các trường không nên tổ chức đồng loạt vì HS đông nên chỉ đi dạo chơi là chính.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng Giáo dục Q.Gò Vấp, cũng cho rằng tránh tình trạng cứ bung ra làm mà không chốt lại, dẫn đến sai mà không biết. Sau mỗi chuyến đi, cần có sự nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh những gì chưa ổn.

Theo thanhnien.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm