Ngày 16/2 vừa qua, ông Lê Đình Quyết - phó phòng dự báo Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nắng nóng đã xuất hiện tại nhiều nơi ở Nam Bộ. Theo ghi nhận, nhiệt độ cao nhất tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM lên đến 35-36 độ, rơi vào khoảng thời gian 11-15h mỗi ngày. Đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm ở mức 23-26 độ, kết hợp cùng gió nhẹ tạo không khí mát mẻ dễ chịu.
Cũng trong khoảng thời gian 11-15h, cường độ ánh nắng mặt trời cũng như bức xạ tia cực tím (tia UV) cũng ở mức cao nhất. Theo dữ liệu ghi nhận được, bức xạ tia UV trong ngày 14-2 đã đạt mức 10/12. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8 - 10, thời gian gây bỏng là 25 phút. Do đó, với mức UV 10, người dân khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận nếu ra đường vào thời điểm này cần sử dụng các biện pháp bảo vệ như găng tay, áo khoác hay kem chống nắng.
Bệnh viện mắt Ánh Sáng cho biết, chỉ số UV là số đo cường độ tia cực tím chiếu lên bề mặt trái đất ở “Giờ Ngọ” - khi mặt trời lên cao nhất. Chỉ số này được lập ra nhằm cảnh báo mức độ nguy hiểm của tia UV, xác định các biện pháp phòng hộ cần thiết khi tiếp xúc với nắng cũng như phòng tranh các nguy cơ bỏng nắng (cháy nắng), ung thư da và tổn thương mắt do tia nắng.
Bên cạnh tình trạng nắng nóng ở các tỉnh phía Nam khi tại nhiều tỉnh ở Bắc Bộ, trời rét vào đêm và sáng sớm. Một vài nơi ở vùng núi còn có mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, người dân cần đề phòng.
Như vậy, với tình hình tia UV đạt mức cao ở các khung giờ như trên, người dân nên có biện pháp đề phòng để tránh các bệnh về da và mắt mà tia UV gây ra như mặc trang phục chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính mát, bôi kem chống nắng...