TPHCM: Nhiều sản phẩm cấp xã lên đời ‘sao số’ OCOP

TPO - Nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã được TPHCM công nhận, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Tối 30/6, UBND TPHCM đã tổ chức công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn TPHCM năm 2022 cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố lên 66 sản phẩm.

TPHCM: Nhiều sản phẩm cấp xã lên đời ‘sao số’ OCOP ảnh 1

Các doanh nghiệp được trao chứng nhận OCOP TPHCM năm 2022.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Hiện chương trình OCOP tại TPHCM đã được mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành). Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TPHCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

TPHCM: Nhiều sản phẩm cấp xã lên đời ‘sao số’ OCOP ảnh 2

Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm OCOP.

TPHCM: Nhiều sản phẩm cấp xã lên đời ‘sao số’ OCOP ảnh 3

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách hàng.

Phấn khởi khi có đến 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên - cho biết, các sản phẩm phải trải qua các bước đánh giá từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp, cơ quan chức năng. Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO...

Cũng có 5 sản phẩm đạt OCOP dịp này, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More cho biết, các sản phẩm được chứng nhận OCOP sẽ giúp nông sản Việt ra thế giới được thuận lợi hơn.

TPHCM: Nhiều sản phẩm cấp xã lên đời ‘sao số’ OCOP ảnh 4

Người dân TPHCM đội mưa tham quan không gian triển lãm các sản phẩm OCOP tối 30/6.

TPHCM: Nhiều sản phẩm cấp xã lên đời ‘sao số’ OCOP ảnh 5

Rau OCOP đắt hàng.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - cho rằng, sự sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia chương trình OCOP để tạo nên sự đa dạng về nhóm, về thể loại của sản phẩm OCOP TPHCM.

"Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Chính vì vậy, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển chương trình của các sở ngành liên quan" - ông Hiệp cho biết.

MỚI - NÓNG