Triển lãm Mộng Bình Thường được dàn dựng trong suốt 4 tuần, trưng bày hơn 200 hiện vật, trong đó có hơn 60 tác phẩm thời trang cùng nhiều phục trang được thiết kế riêng, cổ vật, phụ kiện... Triển lãm được chia thành nhiều phòng giới thiệu 7 chủ đề với 7 lối vào thế giới sáng tạo của NTK Thủy Nguyễn.
Áo Dài: Xưa Đến Ngày Sau
Triển lãm đem lại hơi thở mới cho trang phục áo dài truyền thống qua những đường cắt táo bạo, phủ lên chúng luồng năng lượng tươi mới thông qua vật liệu, hoạ tiết và màu sắc.
Đến với không gian Áo Dài: Xưa Đến Ngày Sau tại triển lãm, khách tham dự có thể thấy được cách NTK Thủy Nguyễn sử dụng gấm trong bộ sưu tập Áo dài gấm năm 2015, và bộ áo dài không vai phá cách được giới thiệu tại Lễ hội Văn hoá Việt Nam (Vietnam Culture Day) ở Rome năm 2015.
Lầu Son Gác Tía
NTK Thủy Nguyễn là người thích "chơi trốn tìm" với sắc màu, xử lý ánh sáng và bóng tối triệt để trong cách kết hợp thêu nổi và đính kết để tạo hiệu ứng phản sáng lấp lánh và chuyển sắc độ của màu.
Dù ánh sáng - bóng tối, đen - trắng thường được coi như những cặp tương phản, các trang phục trong không gian này lại hòa trộn những yếu tố khác biệt của cả hai. Chúng vừa trịnh trọng lại vừa mềm mại, vừa mờ vừa tỏ, vừa khoáng đạt vừa khuôn khổ, vừa đặc vừa rỗng. Tất cả những đặc điểm này tạo ra một bố cục hoàn chỉnh về chiều sâu, ánh sáng và hoà sắc đơn màu.
Đong Đầy Kí Ức
Trong căn phòng Đong Đầy Kí Ức, NTK chia sẻ những hiện vật và kí ức góp phần làm nên con người cô, gồm: các sáng tác hội họa, ảnh đen trắng, tranh Hàng Trống, bộ sưu tập tem, gốm Thành Lễ, gốm Biên Hoà...
Căn phòng này là chân dung dung dị nhất, đầy ắp ra những kỷ niệm mà NTK Thủy Nguyễn trân quý. Từng thứ, từng thứ một gợi mở, dẫn dắt cô trên con đường sáng tạo - và không khó để nhận thấy các trang phục trong triển lãm này cũng mang dấu ấn của những đồ vật cô luôn nhặt nhạnh, sưu tầm.
Ở Trọ Trần Gian
Muôn hình vạn trạng
Sự tách biệt khỏi các khuôn mẫu chính là đặc tính khẳng định thời trang của NTK Thủy Nguyễn. Khi làm việc, cô khởi đầu với các khối hình học cơ bản, từ đó bắt đầu phác họa trang phục, tạo dựng đường cắt.
Quy trình thiết kế các trang phục được xây dựng dựa trên việc tạo khối, chồng lớp các trang phục, từ cách chọn vật liệu, màu sắc, chất vải, cho tới sự chú ý tới các chi tiết nhỏ nhất. Các BST là tổng hòa của tính thẩm mỹ, chủ đề mạch lạc và kỹ thuật phức hợp.
Phố Phố Phường Phường
Màu sắc, họa tiết, phom dáng và các thiết kế trong không gian này đều mang lại cảm giác trân trọng với cội nguồn dân tộc. Những bộ trang phục cũng tái hiện lại quang cảnh phố cổ, những tòa nhà mang phong cách kiến trúc Pháp trên phông nền một Việt Nam hối hả công nghiệp hoá, hiện đại hoá...