Nhiều chiêu "câu" học trò sau Tết
Năm nay, học sinh ở TP.HCM nghỉ tết kéo dài 16 ngày. Để chống bệnh "ì ạch" sau Tết cho học trò, các trường và giáo viên có rất nhiều chiêu để "câu" các em "tái hòa nhập" lại với môi trường học đường.
Trước ngày đến trường đầu năm, thầy Hoàng Long Trọng (giáo viên Văn, Trường THCS Văn Lang, Q.1) đã chuẩn bị gần 200 bao lì xì để "đón" học sinh. Khi thầy đến trường, vào lớp, học sinh sẽ chạy đến chúc mừng, trò chuyện với thầy. Khi đó thầy Trọng sẽ lì xì cho các em và học sinh phấn khởi.
Thầy Hoàng Long Trọng mừng tuổi học sinh đến 200 bao lì xì.
Thầy Hoàng Long Trọng cho biết, đây là cách chúc Tết học trò đầu năm truyền thống của mình nhằm tạo động lực, xốc lại tinh thần học tập và khí thế sau những ngày Tết dài cho học sinh.
"Trong các bao lì xì, nhiều bao có tiền và nhiều bao có lời chúc của mình gửi đến học trò. Mình lì xì cho học sinh dịp đầu năm, tiền hay lời chúc, các em đều rất vui", thầy Trọng tiết lộ.
Với kinh nghiệm nhiều năm "vực" lại tinh thần học sinh sau Tết, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh chia sẻ, trước khi bắt đầu tới trường khoảng vài ngày, thầy thường nhắn tin chúc Tết phụ huynh và kèm theo lời nhắc nhở các em ngày tới trường, ôn tập lại các kiến thức.
Việc này, theo thầy Sơn có rất nhiều lợi ích như giáo dục cho các em về ý nghĩa của những lời chúc, nhất là dịp đầu năm; tạo sự gắn kết giữa giáo viên và phụ huynh; đây cũng là việc nâng cao vai trò của cha mẹ trong việc học tập của con và để phụ huynh chủ động với việc nắm lịch con quay lại trường.
Thầy Vũ Hoàng Sơn có rất nhiều "chiêu" vực lại tinh thần học tập của học sinh sau Tết.
Về phía giáo viên, hiểu tâm lý của các em rất thích lì xì đầu năm nên thầy chuẩn bị trước những món quà, lời chúc... tạo sự phấn khởi và khích lệ với học sinh. Thông qua việc lì xì này, giáo viên có thể lồng ghép dạy các em về ý nghĩa của việc lì xì chứ không nằm ở mệnh giá tiền trong bao lì xì.
Thầy Sơn bộc bạch: "Ngày học đầu, giáo viên hỏi thăm hoạt động của trẻ trong ngày Tết để nghe các em chia sẻ, giáo viên có thể nắm bắt thêm thông tin về gia đình, cuộc sống của các em để hiểu học sinh hơn".
Đến trường đầu năm như đi hội
Nhiều năm nay, sau Tết, trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 đều có những hoạt động tạo không khí tươi vui những ngày đầu quay lại lớp sau Tết. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày đầu tiên, trong buổi chào cờ đầu tuần có múa Lân, hái lộc đầu năm, các trò chơi khởi động... Khi vào lớp, thầy trò sẽ chúc Tết nhau, giáo viên hỏi thăm chuyện ngày Tết của từng học sinh, lì xì đầu năm...
Cô Hà cho hay, những ngày này, giáo viên sẽ hạn chế giao bài và đặc biệt không nặng lời hay hù dọa các em để học sinh không mang áp lực khi tới trường.
Học sinh Trường tiểu học Ngôi Nhà Thông Thái, TP.HCM vui với chương trình "Hái lộc - gặt kiến thức" ngày đầu năm mới tại trường.
Trường tiểu học Ngôi Nhà Thông Thái, Q.Bình Thạnh tổ chức chương trình hái lộc đầu Xuân - gặt kiến thức. Theo đó, có các chủ đề như hoa/ quả/ cây/ con/ ai. Mỗi chủ đề được thể hiện bằng các câu thơ, câu ca dao, câu hỏi để học sinh suy nghĩ và trả lời. Em nào trả lời đúng nhận được lì xì từ Hiệu trưởng.
Như chủ đề "Ai?" là những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Huệ... Các em thông qua trò chơi hái lộc đầu năm nhưng vẫn có thể ôn tập kiến thức, thích nghi lại với với việc học rất nhẹ nhàng. Ngoài ra, trường cũng tổ chức múa lân cho học sinh có không khí tươi vui khi quay lại trường học.
Do học sinh nghỉ Tết dài, quản lý nhiều trường học ở TP.HCM đều chú ý đến hoạt động những ngày đầu năm quay lại trường rất quan trọng, sẽ tạo tâm thế với việc học cho học sinh sau kỳ nghỉ dài. Nhờ các hoạt động, các em sẽ phấn khởi hơn, sẵn sàng bước vào việc học một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, tránh sự căng thẳng cho cả thầy và trò.
Cha mẹ, giáo viên phải.... chấm dứt Tết
Về phía học sinh, gia đình và nhà trường có rất nhiều cách để các em ổn định lại tâm thế học tập sau Tết. Vậy nhưng, để các em chấm dứt trạng thái "lơ lửng" hậu Tết thì trước hết chính bố mẹ phải chấm dứt việc Tết.
Học sinh TP.HCM nghỉ Tết hơn nửa tháng, đến ngày 11 tháng Giêng các em mới quay lại trường. Vậy nhưng, ghi nhận tại nhiều trường, ngày đầu vẫn rất nhiều học sinh chưa quay lại lớp. Phần lớn là các em về quê, đi du lịch về muộn.
Để con trẻ ổn định sau kỳ nghỉ dài, chính phụ huynh phải sớm... chấm dứt Tết. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ đã đi làm lại, con đã đi học nhưng không ít gia đình vẫn chưa thật nghỉ Tết với nhiều chương trình như tụ tập nhậu tân niên, đánh bài, hát hò xuyên đêm suốt sáng.
Nhiều gia đình dẫn con trẻ đi chùa, đi lễ hội, du xuân triền miên nên dù đi học nhưng tâm trạng của trẻ vẫn chưa hết không khí Tết. Điều này dẫn đến đến việc các em uể oải kéo dài, ảnh hưởng đến việc học, nhất là đối với học sinh cuối cấp.
Cô Nguyễn Mỹ Dung, giáo viên dạy Toán ở TP.HCM cho biết, người lớn thường lo lắng con trẻ lơ là, sao nhãng việc học sau Tết nhưng bản thân mình chưa chắc đã nghiêm túc. Trong gia đình, bố mẹ phải tổ chức nề nếp gia đình một cách ổn định, có giờ giấc, kỷ luật để con trẻ vào khuôn khổ. Có không ít phụ huynh vừa quát con vào bàn học, còn bên ngoài thì mình tổ chức ăn uống, hát hò, đánh bài ầm ĩ.
Giáo viên cũng vậy, có những người vẫn còn "lâng lâng" sau Tết nên không tập trung vào công việc. Lúc này, giáo viên cần tổ chức dạy học vui tươi nhưng cũng phải nghiêm túc, nền nếp để thầy trò cũng vượt qua những ngày sau Tết một cách hiệu quả, không để tinh thần Tết kéo dài. Còn không thì dù đã người lớn đã đến công sở, con trẻ đã tới trường nhưng thực tế... chưa hết Rằm là chưa hết Tết.
Nguồn: HOÀI NAM / DÂN TRÍ