Ông Hà cho rằng, tồn tại sơ hở ở công đoạn từ bước 3 sang 4 nên ông Vũ Trọng Lương ở Hà Giang đã thay đổi text file bài thi của TS và chuyển tệp đã thay đổi này vào máy chấm. Do đã sửa tệp nên việc nâng điểm dễ hơn nhiều. Sau đó, ông Lương mới sửa bài làm trên phiếu trả lời của TS (theo đáp án của Bộ GD-ĐT) cho phù hợp với mức điểm mà ông đã thay đổi trên text file. Tuy nhiên, việc này khi cơ quan điều tra vào cuộc thì dễ phát hiện vì sau khi scan bài thi của TS thì dữ liệu này đã phải gửi về Bộ (CD1) nên khi có dấu hiệu nghi ngờ, Bộ có thể sử dụng dữ liệu này để đối sánh và việc chấm thẩm định sẽ dễ dàng trả lại kết quả thực của TS.
Còn với vụ việc ở Sơn La, ông Hà cho rằng, theo thông báo bước đầu thì việc chỉnh sửa bài thi đã được tiến hành trước khi thực hiện bước 1 nên tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia mới cho biết sẽ phải điều tra thêm về việc chấm bài thi trắc nghiệm ở tỉnh này mà chưa đưa ra được kết luận gì.
Việc sửa bài thi (nếu có) trước khi thực hiện các bước chấm trắc nghiệm nên báo cáo của tổ công tác cũng cho hay, ảnh bài thi trắc nghiệm gốc và ảnh bài thi trắc nghiệm để xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD-ĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau.
Do vậy, theo ông Hà, trong trường hợp này việc sử dụng công nghệ thông tin hầu như không phát hiện được gì trong việc điều tra. Cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số TS.
Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng có thể mời Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an lấy mẫu than bút chì của các bài thi có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa để xem có phải cùng một loại hay không. Cũng có thể qua cách tô khoa học hình sự để xác định xem đấy có phải là do một người tô hay không…
Từ những “lỗ hổng” trong chấm bài trắc nghiệm, ông Bùi Việt Hà đề nghị cần có thêm một biện pháp kỹ thuật cho phép sau khi scan bài làm của TS (gửi về Bộ bản gốc) thì nhận dạng sẽ chia làm 2 giai đoạn: nhận dạng phần thông tin chung (phách phía trên) và nhận dạng phần bài làm phía dưới. Khi nhận dạng phần bài làm thì thông tin TS cần phải xóa, ẩn, che lấp đi trên màn hình (và có thể cả hình ảnh). Như vậy quy trình sẽ phải tăng thêm 1 bước bảo mật.
Theo ông Hà, không nên để việc chấm cuối cùng, trực tiếp bằng máy ở các địa phương, hội đồng thi mà chuyển toàn bộ về Bộ và xử lý chấm tập trung trong phòng máy tính của Bộ. Như vậy các hội đồng thi sẽ chỉ xử lý sơ bộ thông tin chấm thi. Cụ thể, các hội đồng xử lý đến mức ra được các tệp bài làm của TS. Nếu các tệp này là text file thì cần mã hóa ngay trước khi chuyển về Bộ.