“Trại tâm thần đa ngôn ngữ”: Thế giới “hề hước” của người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Nhóm Facebook này chính là nơi “đầu têu” nhiều trào lưu chơi chữ viral khắp mạng xã hội, cũng là nơi để teen có được tràng cười thả ga, thổi bay xì-trét sau những giờ học tập căng thẳng.

Mười nụ cười bằng “một cái trại tâm thần chữ nghĩa” 

Trong group Trại tâm thần đa ngôn ngữ 0.2, công thức tạo tiếng cười chính là chơi đùa với con chữ. Câu cú được teen đảo tung, cắt xén, thêm thắt rồi sắp xếp lại một cách hài hước. Người xưa có “luật nhân quả”, thì gen Z có “luật hoa quả”; người xưa dạy “học đi đôi với hành”, gen Z đùa “học đi đôi với hề”.

“Trại tâm thần đa ngôn ngữ”: Thế giới “hề hước” của người trẻ ảnh 1

Teen chơi chữ để nói về tình cảm, đời sống thường ngày, bạn bè, gia đình, chuyện học hành. Chẳng hạn như: “Tình cảm đôi ta như năm con hổ: five dần (phai dần)”; “Tôi thích đánh bài với người ăn chay, vì họ không chặt heo”; “Em giấu bịch muối, vì sợ chúng ta chấm hết”... Cho dù đó là một câu chuyện buồn, gen Z cũng khéo léo biến nó thành một tràng cười sảng khoái, nhẹ nhàng.  

“Trại tâm thần đa ngôn ngữ”: Thế giới “hề hước” của người trẻ ảnh 2 Một ví dụ của trào lưu chế lại ca dao, tục ngữ của giới trẻ

Thỉnh thoảng, sự hài hước cũng đến từ những câu “tục ngữ kiểu mới”: “Nghèo mà xài sang để sau này có giàu bớt bỡ ngỡ”, phản ánh kiểu tư duy “lầy lội” rất teen.

Trào lưu chế lại ca dao, tục ngữ luôn hot. “Kính lão Dak Lak”; “Khổ tận Cam Ranh”; “Có thờ có thiêng, có kiêng mà không giảm cân”; “Một điều nhịn chín điều anh luôn giữ kín trong tim này”… là những ví dụ tiêu biểu. 

“Trại tâm thần đa ngôn ngữ”: Thế giới “hề hước” của người trẻ ảnh 3 Bên dưới bài viết, nhiều thành viên khác cũng hào hứng tham gia bình luận bài viết

Thoạt đầu, người ta lo sợ việc lạm dụng “chế” ca dao tục ngữ sẽ làm teen quên đi sản phẩm ngôn ngữ gốc, làm dị dạng ngôn ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế teen chỉ coi đây là một trò giải trí, cười đấy rồi lại quên ngay. 

Bạn Hoàng Tú, lớp 12, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM chia sẻ: “Nếu lấy giá trị ngôn ngữ văn học ra làm thước đo, thì cái kiểu chơi chữ này đúng là chả ra gì. Nhưng nếu đánh giá trên khía cạnh giải trí, thì nó đã làm tụi mình cười đến sảng đó. Vì vậy, khi ai đó tranh cãi về chuyện chơi chữ này, mình nghĩ đơn giản là họ đã dùng nhầm cây thước rồi”.  

Tại sao lại hot?

Trước khi gom lại thành một group, những kiểu chơi chữ này đã xuất hiện ở những comment, cuộc trò chuyện với bạn bè. Nhưng nó chỉ thực sự trở nên viral khi “thánh hài” Lân Jee xuất hiện. Lân Jee chính là cha đẻ của hai câu: “Học đi đôi với hề” và “Nghèo mà xài sang để sau này có giàu bớt bỡ ngỡ”; sau đó là “Đã rất nhiều lần trắng tay, nhưng chưa một lần trắng da”; “Thắng làm vua, thua báo công an”… 

Series hài Trả bài miệng với hơn 40.000 lượt chia sẻ của anh chàng với những màn chơi chữ dí dỏm: “Học Toán giúp ích gì cho cuộc sống - Để anh biết tính em”; “Không thầy đố anh bắt được em” cũng gây bão trong giới trẻ, thu nạp nhiều thành viên mới về cho group.

“Trại tâm thần đa ngôn ngữ”: Thế giới “hề hước” của người trẻ ảnh 4 "Thánh hài" Lân Jee là một trong những người đầu tiên "khởi xướng" cách nói vui này của teen 

Bạn Nguyễn Minh Anh, lớp 10, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) chia sẻ: “Nó vừa giống một kiểu punchline (những câu rap có sức “sát thương” đối phương trong các “trận chiến” rap) trong đời thường, vừa giống trò nối chữ. Nhiều câu không nghĩ là nó có thể như vậy luôn. Nhờtrend này, mình mới biết là chữ nghĩa Việt Nam thú vị và lắt léo dữ vậy”. 

Ngắn gọn mà “mặn mòi” cũng chính là lí do khiến trend này trở nên viral. Kiểu giải trí này rất phù hợp với người dùng mạng xã hội có xu hướng “lướt” thông tin.

Quyền lực chữ nghĩa

Trước đây, ta từng có cơn sốt Meme và Gif. Khi đó, trong vòng một phút có khoảng 5 triệu file gif được chia sẻ qua Facebook Messenger; 23 triệu file gif được đăng trên Tumbrl mỗi ngày. Facebook, Twitter, Tumbrl, Reddit… đều được bổ sung Gif Search Engine. Chúng được người dùng mạng xã hội ưa chuộng vì đánh vào phần nhìn, dễ chia sẻ, dễ tạo bối cảnh. Và suy cho cùng, một bức tranh đáng giá hơn ngàn lời nói. Tuy nhiên, khi nhìn vào trend chơi chữ, ta có thể thấy chữ nghĩa cũng có thể tạo ra một hiệu ứng tương tự. 

Trend chơi chữ đã gây sốt nhiều tháng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, nhiều người cho rằng, xu hướng này sẽ hình thành một khái niệm giải trí mới trong tương lai. Một kiểu giải trí đến từ chữ nghĩa, nhưng dung lượng không quá dài như tiểu phẩm hay truyện tiếu lâm. Một kiểu giải trí chỉ dùng mấy từ đơn giản có thể tạo ra bối cảnh, thay thế mấy chữ có thể tạo ra tiếng cười. Nó đơn giản đến mức nhảm nhí, nhưng vẫn đạt hiệu quả giải trí cao. 

Bạn Mỹ Nữ, trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Dù nghe hơi cay đắng, nhưng ở thời này, tụi mình chỉ có mấy giây để khóc, mấy giây để cười. Thậm chí mình còn quên mất đã bao lâu rồi mới lại xem một tiểu phẩm hài dài mười mấy phút trên mạng. Những câu chơi chữ ngắn ngủn kia, kì lạ thay, chỉ trong mấy giây có thể làm mình cười đến chảy nước mắt”.

Công nghệ ngày càng cuốn con người theo nhịp sống gấp gáp hơn. Vì vậy, trend chơi chữ với dung lượng ngắn sẽ còn trụ lại, được xào nấu nhiều hơn, và mang lại nhiều tiếng cười hơn nữa.

“Trại tâm thần đa ngôn ngữ”: Thế giới “hề hước” của người trẻ ảnh 7
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm