Nguyên tác - bám sát được đến đâu thì bám
Số điểm 8.0 trên douban với số lượt bình chọn khổng lồ, vượt qua cả Lang Nha Bảng, chính là sự ghi nhận thành công cho Trần Tình Lệnh. Số điểm này chứng tỏ được sự yêu thích của khán giả và độ hài lòng của họ dành cho chất lượng bộ phim. Đáng chú ý, khi khởi đầu, Trần Tình Lệnh chỉ được chấm khoảng chừng 4.7 điểm. Có thể nói đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục hiếm thấy của phim Hoa ngữ.
Trần Tình Lệnh được chuyển thể từ nguyên tác Ma Đạo Tổ Sư của tác giả Mặc Hương Đồng Khứu. Do sự đặc biệt của thể loại, khi chuyển thể lên màn ảnh nhỏ, tác phẩm buộc phải có sự chỉnh sửa để phù hợp với các yêu cầu xét duyệt, tương tự như một bộ phim khác là Trấn Hồn. Can thiệp chỉnh sửa, cắt xén nguyên tác… chưa bao giờ là hành động được lòng các fan nguyên tác. Chính vì thế phải khen bộ phận biên kịch của Trần Tình Lệnh đã rất khéo léo khi cố gắng bám-nguyên-tác-được-đến-đâu-thì-bám.
Sự can thiệp, cắt bỏ, chỉnh sửa của Trần Tình Lệnh tinh tế đến mức khi lên phim các fan nguyên tác vẫn gật gù hài lòng mà bộ phim vẫn rất văn minh, vừa phải, đến cả những khán giả không phải fan nguyên tác cũng có thể xem được và cảm thấy thích thú. Một trong những phân cảnh khiến các fan của Ma Đạo Tổ Sư bùng nổ là khi Lam Trạm nói ra lời thoại nổi tiếng nhất của mình: “Ta muốn mang một người về Vân Thâm Bất Tri xứ. Mang về, giấu đi”, bởi lẽ không ai dám kỳ vọng nó có thể lên phim một cách trọn vẹn đến thế.
Đôi diễn viên chính mang cảm giác “bước ra từ nguyên tác”
Đối với một bộ phim, diễn viên có nắm bắt được nhân vật hay không là một trong những chìa khóa quan trọng để thành công. Đối với phim chuyển thể từ một nguyên tác nổi tiếng, áp lực của diễn viên lại càng nặng, bởi lẽ không chỉ phải diễn hay mà còn phải diễn ra được thần thái nhân vật mà khán giả đã yêu thích và tưởng tượng. Và phần lớn dàn diễn viên Trần Tình Lệnh đã “qua ải”.
Tiêu Chiến trong vai Ngụy Anh - Ngụy Vô Tiện ngay từ những tập đầu tiên đã nhận được lời khen nhờ diễn xuất sinh động. Thời niên thiếu sôi nổi, tươi sáng của Ngụy Anh được Tiêu Chiến diễn rất hoàn hảo. Đến khi nhịp phim dần đến cao trào, cảm xúc của Ngụy Anh trở nên phức tạp hơn, đen tối hơn, đau thương hơn… cũng được Tiêu Chiến thể hiện vừa vặn. Thủ vai một nhân vật hoạt ngôn, lời thoại của Tiêu Chiến rất nhiều, nhưng anh chàng vẫn luôn làm tốt.
Bản thân Tiêu Chiến dường như cũng rất yêu thích nhân vật Ngụy Vô Tiện, khi bộ phim đóng máy còn viết một bài tạm biệt rất dài. Đọc những dòng ấy của Tiêu Chiến, khán giả có thể nhận ra rằng Tiêu Chiến rất hiểu tâm lý nhân vật mà mình đóng, và cố hết sức để mang chân dung Ngụy Anh đến khán giả - chàng thiếu niên có gương mặt bẩm sinh tươi cười, che giấu đi những giông bão gặp phải trong đời.
Vai chính còn lại - Lam Trạm của Vương Nhất Bác, trầy trật hơn trong hành trình chinh phục khán giả. Khi vài tập đầu Trần Tình Lệnh lên sóng, ngoại hình và diễn xuất của Vương Nhất Bác đều bị chê. Nhưng đường dài mới biết ngựa hay, nhịp phim càng tiến triển, không ít khán giả phải thừa nhận mình đã bị “nghiệp quật” khi mỗi ngày lại thêm u mê vì Lam Trạm và Vương Nhất Bác.
Nhân vật Lam Trạm rất ít nói, ngay cả Vương Nhất Bác cũng phải toát mồ hôi tìm thoại của mình trong kịch bản như “tìm kim đáy bể”. Thử thách của Vương Nhất Bác là phải thể hiện cảm xúc qua cơ mặt và ánh mắt. Kết quả, khi Lam Trạm say rượu trộm gà, thật ngốc nghếch đáng yêu. Khi Lam Trạm vung kiếm, thật không hổ là Hàm Quang Quân oai dũng. Và những lần hiếm hoi rơi nước mắt, Lam Trạm luôn khiến người ta cảm thấy xót xa.
Dàn diễn viên phụ “cực phẩm”
Không chỉ có bộ đôi dàn diễn viên chính, dàn diễn viên phụ là một trong những điểm cộng siêu bự của Trần Tình Lệnh. Hiếm có bộ phim nào mà mỗi nhân vật phụ, từ bé vừa đến bé xíu, đều có được chỗ đứng trong lòng khán giả. Những nhân vật trong nguyên tác như Giang Trừng ngoài mặt phũ phàng - trong lòng lương thiện, Ôn Ninh hiền lành tốt bụng, Lam Tư Truy ngoan ngoãn xinh xắn như cây củ cải, Lam Cảnh Nghi nhanh mồm nhanh miệng, Kim Lăng đanh đá “đại tiểu thư”… đều lên phim khá chỉn chu. Dĩ nhiên vẫn không thể thật hoàn hảo, nhưng ít nhất không làm fan nguyên tác cảm thấy họ quá xa lạ.
Không chỉ yêu mến dàn diễn viên trên phim, thưởng thức chuyện hậu trường hài bá cháy cũng là một trong những niềm vui của khán giả yêu thích Trần Tình Lệnh. Vương Nhất Bác hay tìm Tiêu Chiến “cà khịa” và đánh nhau, nhân vật phản diện nguy hiểm Kim Quang Dao ngoài máy quay chỉ còn là một Chu Tán Cẩm có má lúm đồng tiền và ăn vặt luôn miệng, Giang Trừng hay cau có vừa tắt camera sẽ trở về lại là một Uông Trác Thành cười hiền khô lại còn rất ngây thơ ai nói gì cũng tin… Các diễn viên của Trần Tình Lệnh ngoài đời cũng hay rủ nhau đi ăn, đi xem phim, trêu nhau trên weibo… để rồi sau đó xảy ra bao chuyện cười hoài không hết. Như Vương Nhất Bác hí hửng cảm ơn lời chúc mừng sinh nhật của Tiêu-Chiến-fake và bị Tiêu-Chiến-hàng-thật-giá-thật chọc quê. Hay những cậu em được mời cơm bị người anh mời cơm “bóc phốt”: “Anh hẹn 1h mà tụi bây có đứa 3h30 mới mò tới, thiệt cạn lời”.