Có nên ủng hộ văn hóa “săn Tây”?
Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài viết “Săn Tây nên ngừng lại thì hơn” trên một trang blog cộng đồng đã thu hút tới 31,2K tương tác và 3,4K chia sẻ. Cụ thể, chủ blog chia sẻ về quan điểm của bản thân về cái gọi là "văn hóa săn Tây” khá phổ biến với các bạn trẻ và cộng đồng những người luyện ngoại ngữ.
Bài viết gây ra nhiều luồng tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội. |
“Thú thật mình không ủng hộ việc đi săn Tây như thế này, ảnh hưởng khá nhiều đến du lịch Việt Nam. Bản thân mình đi du lịch mà bỗng nhiên có một đám con nít (và đôi khi cả người lớn) lạ mặt kéo lại chỉ để trò chuyện xã giao thì cảm giác sẽ thế nào?”. Bài viết đề cập đến việc hành động chủ động tiếp cận, bắt chuyện có thể khiến khách du lịch cảm thấy không thoải mái và bị làm phiền.
Nhóm học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) thực hiện dự án về các công trình kiến trúc Pháp tại thành phố. |
Thực chất, việc chủ động tiếp xúc, giao lưu với khách du lịch phương Tây đã trở trở thành trào lưu từ nhiều năm trước như một cách để các bạn học sinh - sinh viên trau dồi kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiếng Anh. Đây được xem là phương pháp học “0 đồng” mà hiệu quả. Một số giáo viên tại các trường học cũng áp dụng phương pháp này để khuyến khích học sinh giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Ngọc Hân chia sẻ đây là phương pháp học tiếng Anh hiệu quả đối với cô bạn. |
Bạn Phan Phước Ngọc Hân (học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) tiết lộ: “Mình thường đến những địa điểm du lịch của thành phố như bưu điện thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ để bắt chuyện với người nước ngoài. Gần đây, mình và các bạn trong nhóm cũng có làm một dự án về các công trình kiến trúc Pháp ở Việt Nam. Tụi mình đã hỏi những người nước ngoài có suy nghĩ, nhận xét gì về kiến trúc của bưu điện thành phố cũng như những điểm khác biệt so với nước của họ”.
Ngọc Hân không chỉ luyện nói tiếng Anh mà còn tranh thủ giới thiệu về văn hóa địa phương. |
“Không chỉ giúp mình có thể “thực chiến” tiếng Anh mà còn khám phá nhiều hơn về văn hóa, đặc điểm của các quốc gia khác qua những chia sẻ của người nước ngoài”, Ngọc Hân cho biết.
Bí quyết “kiếm chuyện” tinh tế
Việc chào hỏi và bắt chuyện với người nước ngoài là điều bình thường. Tuy nhiên, việc sử dụng từ “săn Tây” cũng như cách bắt chuyện thiếu tinh tế của một số người đang khiến trào lưu này trở nên xấu đi và tạo cảm giác khó chịu. Một số teen liên tục đặt những câu hỏi "kém duyên", riêng tư cho những khách du lịch lần đầu gặp mặt như “Bạn bao nhiêu tuổi”, “Bạn độc thân hay đã kết hôn”, “Chiều cao và cân nặng của bạn là bao nhiêu?”,…
Vì vốn từ vựng, ngữ pháp chưa được phong phú và không có kinh nghiệm dẫn dắt câu chuyện, một vài cuộc hội thoại chỉ đi đến nửa chừng rồi bị teen bỏ lửng vì… không biết nói gì. Điều này dẫn đến các tình huống “xịt keo” cho cả người bắt chuyện lẫn đối phương.
Hoài Phương selfie cùng du khách ghé thăm TP.HCM. |
Từng tham gia các dự án dẫn tour 1:1 cho người nước ngoài, bạn Đỗ Hoài Phương (sinh viên ĐH Kinh tế, TP.HCM) chia sẻ về bí quyết để trò chuyện mượt mà: “Những lần đầu thì sẽ hơi bối rối nhưng mình có chuẩn bị trước một danh sách câu hỏi, chủ đề mà khách du lịch ngoại quốc có vẻ sẽ hứng thú. Bạn có thể tìm hiểu nhiều về văn hoá và chuẩn bị các gợi ý về du lịch và ăn uống vì đây là những chủ đề dễ nói nhất, kèm bộ từ vựng liên quan nếu bạn cần”.
Khám phá ẩm thực đường phố Việt khiến người nước ngoài thích thú. |
Ngoài ra, Phương cũng lưu ý rằng khi bắt chuyện với người ngoại quốc, hãy hướng đến mục đích kết bạn, giao lưu nhiều hơn thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu luyện nói của bản thân. Bắt chuyện với người nước ngoài cũng tương tự với việc làm quen một người Việt Nam, vì thế teen vẫn cần lưu ý những quy tắc ứng xử, giao tiếp.
“Những khách du lịch phương Tây hay kể với nhau một câu chuyện vui mà họ thường gặp khi đến các nước châu Á. Đó là ba mẹ của các bạn teen nhìn thấy họ thì thường bảo con mình chạy ra chào và nói chuyện đi”, Hoài Phương cho biết điều này khiến một số người cảm thấy phiền và ngại ngùng khi bị quan sát bởi người khác.