Tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam: Ranh giới nào cho phim chuyển thể, lấy cảm hứng?

TP - Tác phẩm văn học là một trong những chất liệu quan trọng để làm nên tác phẩm điện ảnh. Trong khi nhiều bộ phim được đón nhận, trở thành những tác phẩm kinh điển, một số lại vấp phải sự phản đối gay gắt khi không bám sát nguyên tác. Đôi khi ranh giới mập mờ giữa tác phẩm chuyển thể, phỏng theo, lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc dễ dẫn đến tranh cãi.

Dễ gây tranh cãi

Điện ảnh Việt Nam có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng. Khán giả hẳn chưa thể quên tác phẩm đặc sắc như Vợ chồng A Phủ (nguyên tác tiểu thuyết Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài), Mẹ vắng nhà (nguyên tác truyện ngắn Người mẹ cầm súng Mẹ vắng nhà của nhà văn Nguyễn Thi), Làng Vũ Đại ngày ấy (nguyên tác Sống mòn, Chí Phèo Lão Hạc của nhà văn Nam Cao), Chị Dậu (nguyên tác tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố)...

Tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam: Ranh giới nào cho phim chuyển thể, lấy cảm hứng? ảnh 1

Phim Đất rừng phương Nam gây tranh cãi vì những chi tiết liên quan đến lịch sử.

Để nối dài danh sách những tác phẩm chuyển thể từ văn học Việt, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn có thêm nhiều dự án phim chuyển thể. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm sau này lại nhận về tranh cãi. Gần đây, phim Đất rừng phương Nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) gây ra tranh cãi liên quan những chi tiết được cho là sai lệch lịch sử.

Nhà biên kịch Đào Phương Liên khẳng định, tranh cãi xoay quanh những chi tiết của Đất rừng phương Nam là tất yếu. Nếu đây là bộ phim chuyển thể, gần như nội dung, các chi tiết phải được giữ nguyên, chỉ khơi sâu thêm tâm lý nhân vật hoặc những chi tiết còn bỏ ngỏ của tác phẩm. Nếu phim được xác định là tác phẩm phóng tác, nhà làm phim được khai thác rộng hơn. “Phim chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, sự sáng tạo không bị ràng buộc, song phải giữ được hồn cốt, tinh thần của thời điểm lịch sử của nguyên tác”, biên kịch Đào Phương Liên chia sẻ.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, những chi tiết gây tranh cãi trong Đất rừng phương Nam chỉ là sơ suất không đáng có của ê-kíp sáng tạo nội dung. Bà cho biết, ở thời điểm lịch sử khoảng 1920, khắp các địa phương trên dải đất hình chữ S có đủ loại hội kín. Họ hoạt động chủ yếu nhằm tới mục tiêu kháng Pháp, nhưng không phải hội nhóm nào cũng có tổ chức chặt chẽ, rõ ràng.

“Các hội kín này thường bị đàn áp mạnh mẽ, hội này tan, hội khác lại trỗi dậy. Hoặc có những nhóm hội biến tướng về mục tiêu, phương thức hành động… Nói vậy để thấy sự nhầm lẫn, sơ suất của người làm nội dung kịch bản có thể hiểu được, và nếu có nhầm lẫn thì sửa là được, không đáng để nâng sai sót ấy lên tầm… chính trị”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu.

Bà cũng nhấn mạnh, phim Đất rừng phương Nam không phiếm chỉ yếu tố thời gian, bối cảnh bởi ai cũng nhận ra bối cảnh miền Tây Nam bộ, và khoảng thời gian lịch sử là năm 1920. “Ngoại trừ những chỉ dấu về hai hội kín gây nhiều tranh cãi kia, khán giả không có gì để hiểu nhầm cả”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích.

Cần cái nhìn thấu đáo

Tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam: Ranh giới nào cho phim chuyển thể, lấy cảm hứng? ảnh 2

Nhiều bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công khi vừa bám sát nguyên tác vừa có sự sáng tạo phù hợp.

Đạo diễn Vương Đức nhận định, tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi cũng có những chi tiết thuộc về tưởng tượng, mang tính hư cấu. Vì vậy, bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm không sai khi đưa một số chi tiết không tương đồng với tiểu thuyết. “Ngôn ngữ điện ảnh và ngôn ngữ văn học không giống nhau. Đạo diễn điện ảnh có quyền làm những gì thuộc về ngôn ngữ nghệ thuật của riêng họ để tăng tính hấp dẫn cho phim. Trường hợp của Đất rừng phương Nam không thể nói đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không tuân thủ nguyên tác”, đạo diễn Vương Đức nêu quan điểm.

Trước Đất rừng phương Nam, phim Cậu Vàng lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn Nam Cao cũng nhận về nhiều tranh cãi khi bị cho là xây dựng kịch bản thô sơ, tâm lý nhân vật hời hợt, tình tiết vô lý. Dẫu biết các tác phẩm văn học là mảnh đất màu mỡ cho các đạo diễn khai thác, khám phá, tạo nên những tác phẩm điện ảnh chất lượng, thế nhưng việc lựa chọn chuyển thể hay phỏng theo, lấy cảm hứng cần được cân nhắc kỹ càng. Mỗi đạo diễn có sự lựa chọn riêng. Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ nguyên tác mà vẫn thoả mãn được khả năng sáng tạo luôn là bài toán khó, đòi hỏi tài năng của người đạo diễn, nhà biên kịch.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định, chuyển thể có ba dạng thức cơ bản: chuyển thể, phỏng theo và lấy cảm hứng. Nếu chuyển thể được yêu cầu bám sát nguyên tác, đảm bảo cốt truyện, nhân vật gần nhất với nguyên tác. Phương thức phỏng theo tự do hơn, người làm nội dung có thể thêm hoặc bớt nhân vật, bối cảnh… thậm chí gom nhiều nguyên tác của cùng một tác giả để tạo nên một nội dung thống nhất như phim Làng Vũ Đại ngày ấy (khai thác một số nguyên tác của Nam Cao) nhưng vẫn đảm bảo mạch truyện và chân dung nhân vật, cũng như chủ đề của nguyên tác.

“Lấy cảm hứng là một thao tác sáng tạo cho phép người sáng tạo nội dung thêm bớt nhân vật, tình tiết, thay đổi bối cảnh, thời gian của câu chuyện nhưng vẫn đảm bảo cốt lõi ý tưởng của nguyên tác. Phim Trò đời khai thác một số nguyên tác của Vũ Trọng Phụng. Thao tác này tự do hơn rất nhiều, nguyên tác - giống như một gợi ý để người sáng tạo nội dung thả trí tưởng tượng của mình vượt ra khỏi nguyên tác”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu. Bà cũng là người chấp bút kịch bản phim truyền hình Trò đời.

Khi hiểu kỹ về các phương thức sáng tạo của điện ảnh dựa trên việc khai thác tác phẩm văn học sẽ thấy ranh giới của từng phương thức khá rõ ràng. “Chỉ cần người làm nội dung xác định chính xác mình đang làm gì, đang sử dụng phương thức sáng tạo nào sẽ không thể làm nhòe ranh giới được”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để tránh những tranh cãi không đáng có khi phim ra rạp, các nhà sản xuất, đạo diễn chuyển thể tác phẩm văn học, lịch sử cần có thao tác kiểm tra chéo với tư liệu lịch sử, thường xuyên so sánh các tư liệu để tìm ra thông tin đúng cho nội dung tác phẩm. “Riêng với lĩnh vực lịch sử, các nhà làm phim rất cần các chuyên gia lịch sử tư vấn, hoặc chính họ phải trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình đang khai thác”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu.

Chiếu bản phim đã chỉnh sửa

Từ tối 16/10, khán giả được tiếp cận bản phim đã được chỉnh sửa một số chi tiết của Ðất rừng phương Nam. Ðại diện nhà sản xuất cho biết, tiếp thu ý kiến của khán giả, sau cuộc đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim với cơ quan chức năng, đoàn làm phim điện ảnh Ðất rừng phương Nam chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết.

Dòng chữ “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ðoàn Giỏi và bộ phim Ðất phương Nam” được đưa lên đầu phim. Sự điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào những năm 1920-1930) của phim điện ảnh Ðất rừng phương Nam và phim truyền hình Ðất phương Nam. Bối cảnh này khác với bối cảnh không gian, thời gian của tiểu thuyết Ðất rừng phương Nam của nhà văn Ðoàn Giỏi (vào năm 1945).

Nhà sản xuất bổ sung nội dung cho câu giới thiệu “Hành trình vẫn còn phía trước” thành “Hết Phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước”. Sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn dự định của nhà sản xuất cho phần 2 kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.

Cụm từ “Nghĩa Hòa đoàn” được thay bằng “Nam Hòa đoàn”, “Thiên Ðịa hội” thành “Chính nghĩa hội” trong tất cả các câu thoại liên quan trong phim điện ảnh Ðất rừng phương Nam.

Bảo Hân

Tin liên quan