Khi sinh viên Tài chính lo tài chính cho đa dạng sinh học
Lựa chọn chủ đề hùng biện là sử dụng kinh phí và cơ chế tài chính phát triển đa dạng sinh học tại Việt Nam, Lê Thị Hồng Nhung (Học viện Tài chính) đã dùng lập luận sắc bén để thuyết phục Ban Giám khảo và giành giải Nhất cuộc thi ở hạng mục Cá nhân.
Bài thi của Lê Thị Hồng Nhung được đánh giá là cụ thể, chi tiết, khi phân tích rõ những ưu điểm, hạn chế của 3 nguồn tài chính hiện nay cho đa dạng sinh học là: Ngân sách Nhà nước, ODA và kinh phí thu được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ, môi trường. Lê Thị Hồng Nhung đã thể hiện được những quan điểm, sự quan tâm của người trẻ cho một vấn đề hiện đang rất “nóng”. Bài hùng biện này còn thêm tính thuyết phục, khi đưa ra những cách giải quyết, những biện pháp có tính ứng dụng cao, dưới góc nhìn và sự liên hệ bản thân của một sinh viên Tài chính năm thứ tư.

Chia sẻ về bài thi hùng biện của mình, Lê Thị Hồng Nhung cho biết: “Thiên nhiên, cây cỏ, động vật là những thứ mình yêu thích từ bé, nên với mình, môi trường và đa dạng sinh học là chủ đề rất gần gũi. Với những kiến thức có được từ 4 năm học tại Học viện Tài chính, mình có đủ tự tin để lựa chọn chủ đề cơ chế tài chính cho phát triển đa dạng sinh học ở Việt Nam”. Lê Thị Hồng Nhung cũng cho biết, cô không quá vất vả để hoàn thành bài dự thi. Cùng với sự trợ giúp của thầy cô, bạn bè, Nhung chỉ mất hơn 2 tuần để lên ý tưởng, chuẩn bị tài liệu, ghi hình và dàn dựng.
“Con người chỉ phát triển khi môi trường sinh thái bền vững”
“Con người là sản phẩm của môi trường. Con người chỉ phát triển khi môi trường sinh thái bền vững”, đó là chia sẻ của 3 nữ sinh giành giải Nhất cuộc thi ở hạng mục Tập thể: Lê Phương Hà, Trần Phương Ngọc và Nguyễn Thị Thanh Hoa (năm thứ tư, khoa Luật Thương mại, trường ĐH Ngoại thương). Những “tinh hoa bàn 1” (nickname các bạn chọn đặt tên nhóm đi dự thi) đã có một bài hùng biện sáng tạo về chủ để bảo tồn bền vững hệ sinh thái.

Là sinh viên “không chuyên” cả về đề tài môi trường lẫn việc thể hiện mình trước ống kính máy quay, ba bạn trẻ cho biết, các bạn đã mất khá nhiều thời gian “loay hoay” với bài thi này: Một tháng để chuẩn bị, vừa đi hỏi các bạn học chuyên ngành môi trường, vừa tham khảo ý kiến chuyên gia. “Bọn mình chia bài thi ra làm 3 phần, mỗi người phụ trách một phần. Nhưng khó khăn hơn cả, đó là khi ba người ngồi cùng nhau tranh luận để thống nhất chọn sản phẩm cuối cùng. Rồi làm thế nào để kết hợp thể hiện ăn ý phần hùng biện, điều này yêu cầu kỹ năng làm việc nhóm ăn ý. Rất may là chúng mình chơi với nhau từ năm thứ nhất, khá thân thiết nên mọi chuyện cũng nhanh chóng được giải quyết”, các cô gái cho biết.


Nếu phần thi được thực hiện trong trường quay của Lê Thị Hồng Nhung đem đến cho người xem sự chuyên nghiệp, bài bản; thì bài hùng biện của những nữ sinh viên Ngoại thương lại được đánh giá là thú vị và lôi cuốn người xem khi được ghi hình ngoại cảnh, với lối diễn đạt tự tin, trẻ trung để truyền tải một chủ đề quen thuộc: Phát triển bền vững về đa dạng sinh học. Chọn cách kết hợp giữa hình ảnh minh họa phong phú, sự dẫn dắt nhịp nhàng của ba thành viên, bài thi đã nêu ra thực trạng bất cập trong phát triển bền vững hệ sinh thái. Chỉ rõ những nguyên nhân và từ chính mỗi nguyên nhân ấy, nhóm đề xuất nhiều giải pháp thuyết phục, từ mang tầm vĩ mô, như giải pháp về văn bản pháp luật, chính sách pháp lý, đến biện pháp cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong công cuộc chung tay bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái.
Cuộc thi Hùng biện “online” “Mục tiêu phát triển bền vững về đa dạng sinh học và nguồn tài chính cho đa dạng sinh học ở Việt Nam”, được phát động vào ngày 22/2/20018, nhân Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên, sinh viên Việt Nam về đa dạng sinh học, các cơ chế tài chính bền vững cho đa dạng sinh học và tạo sân chơi bổ ích, tăng cường khả năng sáng tạo, trang bị kỹ năng thuyết trình, phân tích tổng hợp cho sinh viên.
Cuộc thi do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng Cục môi trường và báo Sinh Viên Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ tổng kết trao giải có sự phối hợp của Học viện Tài chính.
Kết quả giải thưởng:
1. Nhóm Cá nhân:
Giải Nhất: Lê Thị Hồng Nhung, Học viện Tài chính.
Giải Nhì: Đào Mai Linh, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Giải Ba: Bùi Thị Phương, Học viện Báo chí – Tuyên truyền.
2. Nhóm Tập thể:
Giải Nhất: Lê Phương Hà, Trần Phương Ngọc và Nguyễn Thị Thanh Hoa (trường ĐH Ngoại thương).
Giải Nhì: Trần Bình Minh (trường ĐH RMIT) và Trần Cao Vũ (trường ĐH Ngoại thương).
Giải Ba: Vũ Thị Ngọc Anh và Bùi Minh Đức (trường ĐH Sư phạm Hà Nội).