Nhiều bạn trẻ thử thách bản thân với trào lưu #bed_rotting, nhận về nhiều thảo luận. |
Thử thách “nằm ì” này có nhiều điểm tương đồng với một số xu hướng từng nổi tiếng ở Trung Quốc như “nằm thẳng”. Điểm chung lớn nhất của chúng là việc người trẻ từ chối cạnh tranh với áp lực công việc, cuộc sống căng thẳng. Những người tham gia vào thử thách này đều ở trong trạng thái không sẵn sàng đối mặt với thế giới. Tuy nhiên, trái với những trào lưu bị lên án trước đó, xu hướng này được đánh giá như một phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần, nếu như được sử dụng với “liều lượng vừa phải”.
Trong một xã hội chạy theo khái niệm của sự hoàn hảo, cuốn người trẻ vào vòng xoay xu thế mà quên đi các giá trị cốt lõi, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân thì thử thách “nằm ì” nổi lên như một liều thuốc giải, cho phép họ được nghỉ ngơi, được lười biếng, cho họ cơ hội tận hưởng cuộc sống bị quên lãng.
Khái niệm này lần đầu được “ra mắt” bởi một tài khoản TikTok, hiện đã thu về gần 250K lượt thích, 1,5 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận tương tác. |
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đây là phương pháp “sạc pin” hữu hiệu cho những người thực hiện thử thách. Sau khi nằm nhiều giờ trên giường, hầu hết chúng ta đều cảm thấy có động lực và năng lượng tích cực hơn để thức dậy, bắt tay vào dọn phòng, tắm rửa và trở lại “chinh chiến” với thế giới.
Các tài khoản TikTok chia sẻ các video thực hiện thử thách này cho biết xu hướng “nằm ì” là cơ hội để họ tận hưởng các hoạt động thư giãn mà ngày thường họ quá bận rộn để làm. Có thể kể đến những việc cơ bản như xem tivi, thưởng thức món ngon. Bên cạnh đó, một số người thực hiện thử thách đầy tính thẩm mỹ thông qua việc ăn diện, trang hoàng thật đẹp chỉ để… “nằm ì”.
Trang hoàng thật đẹp chỉ để… “nằm ì”. |
Những đối tượng thực hiện thử thách chủ yếu là Gen Z: Sinh viên Đại học, các bạn trẻ mới gia nhập thị trường lao động… Họ cố gắng thư giãn sau quãng thời gian “chạy đua” ngoài xã hội. "Tôi cảm thấy kiệt sức trước áp lực công việc nhưng không thể từ bỏ vì biết đó là điều phải làm. Vì thế, việc dành cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi, không làm gì là cách giải tỏa căng thẳng", Thảo Ly, sinh viên mới ra trường cho biết.
Clip TikTok nhận về hơn 65K tương tác về chủ đề “nằm ì”. |
Xu hướng này dường như là tiếng lòng của nhóm đối tượng bị gắn mác “phải luôn luôn phấn đấu”, “tôn vinh” nhu cầu được nghỉ ngơi, xóa bỏ đi cảm giác tội lỗi khi “không làm gì” của thế hệ Z. Tuy nhiên, để tránh mọi chuyện “đi quá xa”, nhiều chuyên gia cho biết nên có liều lượng đúng mức cho việc “nằm ì”.
Tiến sĩ Jessica Gold, Khoa Tâm thần học tại Đại học Washington cho biết điều quan trọng là cần phải cân bằng giữa việc ngủ để nghỉ ngơi với các cơ chế đối phó khác tích cực hơn, chẳng hạn như đọc sách hoặc chạy bộ.
“Nằm ì” không nên trở thành thói quen hằng ngày.
Chuyên gia này cũng khuyến khích người thực hiện thử thách đánh giá xem liệu giấc ngủ mà họ có được trong thời gian “nằm ì” có thực sự giúp họ phục hồi sức khỏe hay liệu họ chỉ đang cố gắng ngủ nhiều hơn để né tránh các vấn đề họ gặp phải khi thức giấc.