Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?"

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trong cuộc xung đột Israel - Palestine, dù không nói đến việc ai đúng ai sai, thì có một điều vẫn rất rõ ràng: Có những cái giá quá đắt phải trả. Và “những cái giá quá đắt” đó đang đặt nặng lên vai trẻ em ở dải Gaza, gây ra những chấn động tâm lý có thể sẽ theo các em suốt cả cuộc đời.

Trong một tuần nay, khi ở dải Gaza diễn ra cuộc xung đột trầm trọng nhất kể từ năm 2014, đã có 52 trẻ em Palestine thiệt mạng, theo Trung tâm Nhân quyền Palestine (có những nguồn tin khác ghi nhận là hơn 60). Liên Hợp Quốc thông báo có 2 trẻ em Israel tử vong.

Những con số đó khiến cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ. Nhưng các chuyên gia về quyền trẻ em cho rằng, cuộc xung đột còn khiến cả những trẻ em sống sót chịu chấn động tâm lý nặng nề.

Mới có 10 tuổi, nhưng Nadeen Abed al Lateef ở Gaza đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực hơn hầu hết mọi người khác phải chứng kiến trong cả đời mình. Và giữa lúc căng thẳng đang leo thang trong thời gian này, cô bé chỉ biết cầu cứu: “Chúng em đang chết”.

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 1

Cô bé Nadeen Abed al Lateef. Ảnh: Twitter.

Giữa đống gạch vụn đổ nát, cô bé nói với kênh NBC News rằng em chỉ muốn khóc mỗi khi nhìn thấy ai đó bị chết hoặc đang sợ hãi. Buổi đêm, em không ngủ được. “Trẻ em Palestine đang chết ở Gaza,” - Nadeen, con thứ hai trong gia đình có 6 người con, nói - “chúng em không thể làm được gì cả. Em muốn để cơn giận dữ của mình được bộc lộ, bởi vì mọi người đang chết. Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?”. Nhưng trong tình hình hiện tại, Nadeen và những người khác đều không thể chạy trốn đi đâu. “Hãy nhìn tất cả những điều này xem! Mọi người nghĩ em phải làm gì? Em mới 10 tuổi thôi” - Nadeen vừa nói vừa khóc.

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 2

Trẻ em ở dải Gaza không thể chạy trốn đi đâu. Ảnh: Said Khatib/ AFP/ Getty Images.

Cuộc xung đột chắc chắn khiến cả trẻ em Israel lẫn Palestine đều phải chịu hậu quả nặng nề về tâm lý, trong cả ngắn hạn và dài hạn. Nhưng trẻ em sống ở dải Gaza phải chịu thiệt thòi nhất vì gần như không được bảo vệ. Mà ở Gaza, hơn 40% dân số là trẻ em dưới 14 tuổi, theo NBC.

Jess Ghannam, giáo sư tâm lý học ở Khoa Y, ĐH California San Francisco (Mỹ), người từng đến Gaza hơn 20 lần để nghiên cứu, nói: “Những gì mà trẻ em ở dải Gaza đang phải thường xuyên chịu đựng là nghiêm trọng hơn bất kỳ, bất kỳ điều gì khác mà bất kỳ trẻ em ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới phải chịu. Với những trẻ em ở đó, về cơ bản là không có nơi nào để đi. Không có lối thoát”.

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 3

Một em bé Palestine ở dải Gaza bị thương trong một đợt không kích, đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Mahmud Hams/ AFP/ Getty Images.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Những giới hạn trong Tâm lý học vào năm 2020 cho thấy rằng, trong số trẻ em và thanh thiếu niên Palestine ở dải Gaza, thì gần 90% từng phải chịu chấn động tâm lý và 80% từng chứng kiến tổn thương của người khác. Mà ở Gaza thì thực tế là trẻ em không thể được chăm sóc sức khỏe tâm thần. “Cái cảm giác rõ rệt về sự bất lực khiến cho những gì mà trẻ em ở đó phải chịu càng trở nên tồi tệ hơn” - Ghannam nói.

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 4

Một thiếu niên đang nhặt nhạnh những gì có thể còn sửa được giữa đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy trong một đợt không kích vào sáng sớm. Ảnh: Mahmud Hams/ AFP/ Getty Images.

Trẻ em ở cả hai bên trong cuộc xung đột đều không tránh khỏi những tình huống kinh hoàng. Ở dải Gaza, trẻ em bị ám ảnh bởi tiếng còi báo động và những tiếng nổ bất ngờ. Theo Jennifer Leaning, một nhà nghiên cứu ở ĐH Harvard, thì có khi, trẻ em ở Israel còn không dám đi vệ sinh do nhà vệ sinh thường ở bên ngoài nhà hoặc trường.

Trẻ em ở Israel cũng chịu nhiều ảnh hưởng tâm lý, nhưng điều khác biệt là ít nhất, ở Israel còn có các dịch vụ y tế, có chỗ trú ẩn. Chứ trẻ em ở dải Gaza thì không. Mà nếu có được trị liệu tâm lý đi nữa, thì việc đó sẽ chỉ có ích khi những yếu tố kích thích (tình trạng bạo lực) dừng lại. Chứ điều trị có ích gì nếu những yếu tố gây sợ hãi vẫn đổ xuống dồn dập mỗi ngày?

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 5

Trẻ em nhặt lại đồ chơi từ ngôi nhà đã sập của mình. Ảnh: Anas Baba/ AFP/ Getty Images.

Với những trẻ em còn bố mẹ, thì bố mẹ các em cũng luôn sợ hãi và cố tìm bất kỳ một nơi trú ẩn nào trước khi đêm đến. Với những trẻ em đã mất bố mẹ, thì khủng hoảng tâm lý càng sâu sắc hơn.

Ở những nơi không có chiến tranh, tuổi thơ được đánh dấu bằng những cột mốc, những bước phát triển. Còn với trẻ em lớn lên ở những vùng có xung đột như dải Gaza, thì tuổi thơ được đánh dấu bằng những ký ức kinh hoàng. Cuộc sống của các em được bao trùm bởi nỗi sợ hãi. Các em dần lớn lên và trở thành những con người không thể bộc lộ cảm xúc, luôn im lặng, nhưng rất đau khổ, đôi khi giận dữ điên cuồng.

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 6

Khói lửa bốc lên từ một tòa nhà ở Gaza. Ảnh: Bashar Taleb/ AFP/ Getty Images.

Trong những tình huống khó khăn, thì hy vọng là điều khiến con người có thể sống tiếp. Nhưng ở Gaza, trẻ em không biết làm thế nào để hy vọng.

Lời nói của Nadeen khiến bất kỳ ai cũng thấy nhức nhối, bởi chúng thể hiện nỗi đau của những trẻ em đang mắc kẹt trong các đợt không kích: “Em không muốn nghe tiếng la hét của các gia đình nữa. Em chỉ muốn ngủ thôi. Em không thể chịu đựng thêm nữa rồi”.

Trẻ em trong cuộc xung đột ở dải Gaza: "Chúng em đã làm gì mà phải chịu thế này?" ảnh 10
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm