Trò chuyện với người 6 năm đi tuyên truyền phòng chống thuốc lá

Trò chuyện với người 6 năm đi tuyên truyền phòng chống thuốc lá
HHT - Chị Đoàn Thanh Hương là người từng có kinh nghiệm 6 năm làm việc với các tổ chức phi chính phủ về công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam.

Trong một chiều đầu Đông tháng 11, chúng tôi có dịp tiếp xúc và gặp gỡ với chị Đoàn Thanh Hương - cán bộ truyền thông Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, người từng có kinh nghiệm 6 năm làm việc với các tổ chức phi chính phủ về công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên Hoa Học Trò với chị Thanh Hương:

Xin chào chị Thanh Hương. Được biết chị là người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia vào các công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá. Theo chị, công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam - với đối tượng là lứa tuổi thanh thiếu niên suốt nhiều năm qua có hiệu quả hay không?

Cá nhân mình nghĩ, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam hiệu quả. Bạn có thể hình dung từ một quốc gia nơi người hút thuốc lá ở khắp mọi nơi không cần quan tâm đến sự ảnh hưởng của thuốc lá đến sức khoẻ người xung quanh, không có pháp luật về thuốc lá, chúng ta hiện nay đã có một bộ luật toàn diện về Phòng chống tác hại thuốc lá vào tháng 11/2012, bao gồm nhiều phương diện quan trọng về kiểm soát sử dụng thuốc lá, quy định rõ ràng về việc hút thuốc lá ở nơi công cộng như thế nào, cấm tuyệt đối hút thuốc lại những nơi như trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán cafe trong nhà… Luật ra đời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khoẻ của người dân nhưng cũng là thành quả của rất nhiều các cơ quan tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá như Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cùng các tổ chức phi chính phủ khác. Trong những năm gần đây, truyền thông về thuốc lá hướng nhiều đến đối tượng phụ nữ, trẻ em là những người bị ảnh hưởng bởi hút thuốc thụ động. Đối với thanh thiếu niên, ngoài các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá chung, các tổ chức đang vận động để tăng giá thuốc lá. Nếu giá thuốc lá tăng, thanh thiếu niên sẽ ít có cơ hội để bắt đầu hút thuốc hơn. 

Trò chuyện với người 6 năm đi tuyên truyền phòng chống thuốc lá ảnh 1

Chị Đoàn Thanh Hương - Cán bộ truyền thông Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Chị có dịp tìm hiểu và tham gia lâu dài vào chương trình về phòng chống tác hại thuốc lá. Chị thấy điều gì khác biệt nhất giữa công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá ở nước ta với các nước trên thế giới?

Mình đã từng tham gia vào chương trình phòng chống thuốc lá lớn do quỹ Vital Strategies (trước đây là World Lung Foundation) phối hợp với các đơn vị như Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… thực hiện tại Việt Nam trong 6 năm (đến nay, tổ chức này vẫn duy trì nhiều hoạt động ở Việt Nam). Điểm khác nhau giữa công tác truyền thông tại Việt Nam và các nước trên thế giới đương nhiên là có bởi vì đối tượng truyền thông có thói quen, tập quán, trình độ nhận thức khác nhau. Điều mà mình thấy rõ nét nhất là Việt Nam đã duy trì được một chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng về tác hại thuốc lá lâu dài, bền vững. Chiến dịch không những cho chỉ ra một cách rõ ràng những tác hại của thuốc lá cho các đối tượng hút thuốc và công chúng nói chung mà còn quan tâm đến những nạn nhân của hút thuốc thụ động như phụ nữ trẻ em, nhấn mạnh việc khuyến khích mọi người lên tiếng phàn nàn, nhắc nhở về hành vi hút thuốc lá ở những nơi cộng cộng và những địa điểm cấm hút thuốc lá, ví dụ như nơi làm việc, cơ quan, nhà hàng, quán café, hay trên các phương tiện công cộng. Bạn có thể thấy hiện nay, nhiều nhà hàng, quán cafe, cơ quan, công sở đã có khu vực hút thuốc lá riêng hoặc yêu cầu khách, cán bộ nhân viên không được hút thuốc trong quán, trong phòng làm việc.

Cá nhân chị cho rằng cần bổ sung những yếu tố nào vào công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh ở các trường học hiện nay?

Theo mình, để tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh, cần nhất là làm cho các em hiểu rõ về tác hại thuốc lá cũng như việc hút thuốc lá thụ động nguy hiểm đối với sức khỏe như thế nào. Có thể mời thêm các chuyên gia tới trường để nói chuyện với các em, tổ chức thêm nhiều cuộc thi cho các em về tác hại thuốc lá, rồi thông qua truyền thông, báo chí…v.v để hướng dẫn các em cách ứng xử trong trường hợp người xung quanh hút thuốc lá, nên phản ứng như thế nào hoặc nói với ông bà, bố mẹ những gì qua các bài tập tình huống. Mình cũng nghĩ nên lồng ghép hợp lý bài giảng, tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá vào chương trình học chính khoá. Bài giảng được tổ chức một cách sinh động, dạng Infographic hoặc animation chẳng hạn, chắc chắn sẽ thu hút và tạo sự thích thú trong các em  học sinh hơn.

Trò chuyện với người 6 năm đi tuyên truyền phòng chống thuốc lá ảnh 2

Ảnh minh họa.

Chị vừa đề cập tới phản ứng của khi những người xung quanh hút thuốc lá, chị có lời khuyên nào với các bạn học sinh khi người bên cạnh hút thuốc hay không?

Đôi lúc đúng là việc lên tiếng nhắc nhở hay phàn nàn những người đang hút thuốc không hề dễ dàng chút nào đối với những người không hút thuốc lá, kể cả người lớn. Tuy nhiên, các bạn học sinh bây giờ thông minh lắm (cười), các bạn ấy biết cách nói với người lớn sao cho thật lễ phép mà vẫn hiểu được ý của mình. Trong những trường hợp cần phản ứng, lên tiếng về tác hại thuốc lá, các bạn ấy không ngần ngại lên tiếng đâu! Hay như con mình chẳng hạn, cháu cũng đang ở độ tuổi đi học, khi gặp người hút thuốc trong một quán cà phê, cháu sẵn sàng quay sang đề nghị: “Chú ơi, Đây là khu vực không được hút thuốc ạ. Chú có thể hút thuốc ở phía bên ngoài kia được không ạ? Con cảm ơn chú”. Và cháu đã đề nghị thành công! Ngoài ra, trường học cũng nên có những video hướng dẫn các con xử lý tình huống tương tự. Khi các con còn ngần ngại thì việc được xem những tình huống mà người khác thực hiện thành công sẽ khuyến khích các con tự tin hơn và nghĩ mình cũng sẽ làm được.

Cảm ơn chị Hương về cuộc trò chuyện này!

MỚI - NÓNG
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?

Có thể bạn quan tâm