Khi giới trẻ “hô biến” cảm xúc thành âm nhạc
Với những bạn teen trong “kỷ nguyên số”, âm nhạc lại trở thành cuốn nhật ký cảm xúc - nơi ghi lại những rung cảm, suy nghĩ, những góc nhìn độc đáo với vô vàn cung bậc phong phú.
Với những cuốn “nhật ký cảm xúc” bằng âm nhạc, phương tiện để “nghệ sĩ teen” trổ tài chính là các thiết bị công nghệ quen thuộc trong cuộc sống của mình. Văn Minh (19 tuổi) chia sẻ, cậu bạn thường ghi âm bài hát bằng điện thoại, chọn những beat miễn phí có trên mạng để ghép vào, sau đó mix lại và chỉnh sửa bằng phần mềm như audio. Cuối cùng là up sản phẩm hoàn chỉnh của mình lên trang mạng xã hội cá nhân hay Soundcloud… Và “ta đa”, một sản phẩm âm nhạc made-by-teen đã hoàn thành!
Còn với Minh Đức (19 tuổi, cựu học sinh THPT Kim Liên, Hà Nội), hành trang không thể thiếu trong quá trình sáng tác lại là ghi chú trên iPhone và một cuốn sổ tay. “Mình thường viết những vần hay vào sổ rồi chắt lọc vào ghi chú để tiện mang theo. Vì rất chú trọng vào lời bài hát nên mình cũng phải thay đổi khá nhiều từ ngữ, kể cả việc tránh cho những từ gần nhau khiến mình “líu lưỡi”. Mình cũng rất quan tâm đến ý tưởng tiếp cận riêng biệt và không trùng lặp với ai”, cậu bạn chia sẻ.
Thách thức lớn cho các Producer tuổi teen
Đối với các bạn trẻ, sáng tác nhạc không chỉ là một cách để giải tỏa những áp lực cuộc sống, tìm cho mình niềm vui, sự đồng cảm, sẻ chia và kết nối mà hơn cả, mỗi bài hát còn là một câu chuyện, một trải nghiệm đong đầy cảm xúc khó quên.
Cô bạn Lã Thị Thùy Trang (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) được nhiều người biết đến với nghệ danh Lã. - chủ nhân của ca khúc Anh thương em nhất mà đình đám, nhớ lại kỷ niệm về lần đầu tiên sáng tác nhạc của mình: “Bài hát đầu tiên mình đã tự làm mọi thứ từ A đến Z rồi đăng lên Facebook. Bạn bè của mình ai cũng khen nhưng một vài bình luận của người ngoài lại chê bài này rất tệ. Nhưng cũng nhờ lần đó mà mình nhận ra người nghệ sĩ phải tôn trọng chính sản phẩm của mình, trau chuốt thật kỹ lưỡng. Khi mình nghiêm túc với tác phẩm của mình cũng chính là mình tôn trọng người nghe”.
Ngày càng nhiều bạn teen dù không qua bất kì trường lớp nào nhưng những sáng tác của các bạn ấy đã bộc lộ được sức hút riêng chứ không đơn thuần viết nhạc chạy theo thị trường. Như Lã., sau khi cho ra đời các bài hát cá tính, cô bạn đã nhận được lời đề nghị ký hợp đồng phát nhạc cho hai “ông lớn” Spotify và Zing ngay khi mới học lớp 12.
Tuy nhiên, vì đang tuổi học hành nên dù có đam mê, việc theo đuổi con đường sáng tác của teen cũng gặp không ít “bão”. Trong đó vấn đề tài chính luôn là “cơn đau đầu” số một. Thường các bạn ấy chỉ viết nhạc bằng điện thoại, máy tính và các nhạc cũ có sẵn, nếu ai rủng rỉnh hơn thì vào studio.
Đó là chưa kể producer tuổi teen còn gặp áp lực từ việc thay đổi sáng tác, đặc biệt với những bạn đã nổi tiếng sau khi tạo được hit. Cô bạn Lã. chia sẻ: “Việc Anh thương em nhất mà nổi tiếng ngoài sức tưởng tượng là một áp lực. Mình rất sợ những bài sau không vượt được cái bóng bài trước cũng như lo lắng sẽ phụ sự kỳ vọng của mọi người và của chính bản thân mình”.
Cẩm nang vượt “bão” cho “đứa con” âm nhạc
Việc thuyết phục bố mẹ chắc chắn là lăn tăn lớn nhất của chúng mình. Bố mẹ vốn luôn ngại những việc gây ảnh hưởng đến học tập. Vậy nên hãy chứng minh những lợi ích của việc sáng tác nhạc và trình ngay phụ huynh khả năng cân bằng thời gian siêu đỉnh của teen. Đảm bảo nếu thấy được sự thay đổi tích cực từ chúng mình, bố mẹ sẽ dần “mềm lòng” ngay thôi.
Dù là dân chuyên nghiệp hay chưa từng viết nhạc, ngẫu hứng âm nhạc vẫn có thể “ập” tới bất cứ lúc nào, vậy nên teen hãy bỏ túi một vài ứng dụng sáng tác nhạc miễn phí nhưng siêu lợi hại như: Ryhmer’s Block, Songspace… Và khi cần nơi để chia sẻ nhạc, teen có thể “gõ cửa” các trang mạng xã hội miễn phí (YouTube, Facbook), trang Soundcloud đình đám hay “mạnh dạn” hát ở các quán cà phê, hội chợ…
Đừng lo ngại việc mất cảm hứng sáng tác! Anh Hứa Kim Tuyền, chủ nhân các bài hát hit triệu view như Cầu hôn, Người ta có thương mình đâu, Hôm nay tôi cô đơn quá… mách nhỏ: “Cảm xúc phải có lúc lên, lúc xuống như cuộc sống của mình phải có buồn, có vui. Chính những lúc mất cảm hứng, người nghệ sĩ sẽ tự biết cách tìm lại cảm xúc cho mình bằng cách đi xem phim, nghe một album hay đọc cuốn sách nào đó... Mất cảm hứng hay cảm xúc không đáng sợ, hãy coi đó là bước nền để tái tạo cảm hứng cho chính mình”.
Và đừng quên chăm chút cho âm nhạc, “vũ khí” tối thượng mở lối mọi trái tim! Muốn đứa con tinh thần bay được xa, trước hết teen phải chăm cho “con” thật khỏe mạnh đã. Anh Tuyền bật mí bí quyết: “Theo anh quan niệm, âm nhạc và nghệ thuật là hữu xạ tự nhiên hương. Nếu bài hay và chạm đến cảm xúc người nghe thì những bài đó sẽ tự động có sức lan toả và có sức sống với khán giả”.