#JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải là virus)
Hashtag này đã lọt top từ khóa trên Twitter tại Pháp, sau khi những người gốc Á ở quốc gia này lên tiếng việc họ bị xa lánh nơi công cộng và bị bêu riếu là những người nhiễm virus Corona. Trả lời phỏng vấn trên trang FranceInfo, Rui Wang, đồng sáng lập Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc tại Pháp cho biết: “Tôi từng thấy một cô thu ngân gốc Á tại Auchan bị khách hàng miệt thị: ‘Về nhà cô đi, ủ bệnh cho mình cô thôi ấy”.
Đây không phải là trường hợp duy nhất khi báo cáo từ Bệnh viện nhi Hoàng gia ở Melbourne (Úc) cho biết, nhiều phụ huynh từ chối để các bác sĩ, y tá có "diện mạo người châu Á" chữa bệnh cho con cái họ do lo ngại virus Corona. Tại Canada, một video được Ingrid Chang (người gốc Đài Loan) đăng tải ghi lại cảnh một người đàn ông đã mỉa mai Chang và người thân của cô là “để rớt virus Corona kìa”.
Tại Mỹ, một học sinh lớp 8 người Mỹ gốc Việt ở Los Angeles đã được đưa xuống phòng y tế sau khi bị ho do sặc nước. Thế nhưng, khi trở lại lớp, cậu bị bạn bè trêu chọc đã nhiễm viurs Corona. Mới đây nhất là câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc do Corona diễn ra tại London, Anh. Nạn nhân đã đăng tải sự việc trên trang cá nhân có tên Jonathan Mok và bài viết này ngay sau đó thu hút hàng ngàn bình luận và chia sẻ.
Theo đó, vào khoảng 9h15 sáng thứ Hai (24/02), khi đi qua một nhóm thanh niên trên đường Oxford, Jonathan nghe thấy họ nói gì đó về mình, trong đó có nhắc đến Corona. Khi Jonathan quay lại nhìn, một trong số họ đã nổi điên và hét lên rằng không được nhìn. 3 giây sau, cả nhóm 4 người xông vào đánh Jonathan. Một trong số họ còn nói với Jonathan rằng: “Tao không muốn con virus Corona của mày ở đất nước tao” trước khi dụi thêm một cú đấm vào mặt anh chàng. Jonathan rất khó để phản kháng tự vệ, vì một ngón tay đang phải điều trị do bị gãy trước đó. Người qua đường cũng cho rằng việc 4 người xông vào đánh Jonathan là không đúng, nhưng lời khuyên can của họ càng khiến nhóm bắt nạt hùng hổ và tình hình căng thẳng hơn.
“Mọi người có thể thắc mắc tại sao tôi không đánh lại? Hoặc cho rằng tôi không nên quay lại nhìn khi nghe thấy nhóm thanh niên đó buông lời nhận xét về mình. Nhưng tại sao tôi lại phải giữ im lặng khi ai đó tỏ thái độ phân biệt chủng tộc với mình?” – Jonathan chia sẻ.
Cũng như trường hợp của Jonathan, rất nhiều người Châu Á/ gốc Á khác đang trở thành nạn nhân của sự xúc phạm, phân biệt đối xử, thậm chí là tấn công chủng tộc. Tất cả đều xuất phát từ mối lo ngại không có cơ sở rằng người gốc Á liên quan đến dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Đừng nhân đôi nỗi sợ hãi
Từ trước đến nay, dịch bệnh thường đi kèm với những hoài nghi về nguồn lây nhiễm từ người nước ngoài. Điển hình như việc người nhập cư Ireland bị hoài nghi khi bệnh đậu mùa hoành hành tại Mỹ vào những năm 1900, cho tới việc lực lượng gìn giữ hòa bình Nepal bị cáo buộc gây nên dịch tả tại Haiti vào thập kỷ trước. Nhưng lo sợ không đồng nghĩa với miệt thị, chúng ta nên biến nỗi sợ thành chủ động phòng dịch, thay vì biến tướng nó thành phân biệt chủng tộc cực đoan.
“Mọi người có xu hướng đánh đồng người bị bệnh với cộng đồng của họ. Đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi phân biệt đối xử. Khi bạn chỉ trích toàn bộ nhóm người chỉ vì một cá nhân, điều đó trở thành định kiến. Nên chữa trị cho những ai có triệu chứng bệnh thay vì chỉ nhăm nhe đánh giá người khác qua bề ngoài rồi tìm mọi cách cách ly hoặc cấm họ tới những nơi công cộng. Đó là suy nghĩ bình thường và không để nỗi sợ hãi, hoảng loạn đẩy chúng ta quay trở lại với nỗi sợ hãi sai lầm về người ngoại quốc” - Gilbert Gee, Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Fielding thuộc Đại học California tại Los Angeles chia sẻ.