Trung Bảo của hiếm beatbox và ước mơ 'điên rồ'

TP - Chỉ với nghệ thuật sử dụng miệng và giọng để mô phỏng âm thanh (beatbox), Nguyễn Bảo Trung đã ghi dấu beatbox Việt Nam trên bản đồ thế giới với hàng loạt giải thưởng quốc tế danh giá. Anh cũng là cái tên đáng chú ý ở mảng nghệ thuật thị giác tại Việt Nam. Nhưng Trung còn một ước mơ “điên rồ” hơn, đó là bảo tồn được giọng nói của loài người.

Mang âm nhạc dân tộc đối thoại với thế giới

Trên trang facebook cá nhân, Nguyễn Bảo Trung chia sẻ những hình ảnh thiên nhiên, núi rừng Hà Giang, những con người bản địa và câu chuyện của người dân địa phương… Đó là những trải nghiệm anh nhận được khi tham gia dự án âm nhạc Thanh Cảnh 2023. Đây là dự án nghệ thuật gồm 6 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và Scotland, gồm: Beatboxer Trung Bảo, Hoài Anh, Ly Mí Cường, Lương Minh, Sholto Dobie và Inge Thomson. Thanh Cảnh 2023 gồm 2 giai đoạn, diễn ra vào tháng 6 và tháng 9/2023, gồm các hoạt động: Điền dã âm thanh, xưởng nghiên cứu theo chủ đề... tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian bản địa và nghệ sĩ chia sẻ kiến thức, tương tác giữa các thế hệ, truyền cảm hứng, giao lưu, học hỏi. Dựa vào chất liệu truyền thống để làm bệ đỡ cho tương lai, đồng thời mang tác phẩm âm nhạc dân tộc ra đối thoại bình đẳng với thế giới.

Ðiểm dừng chân đầu tiên của nhóm 6 nghệ sĩ là tại xã Sủng Trái, huyện Ðồng Văn, Hà Giang. “Vai trò của tôi trong dự án là nghệ sĩ thể nghiệm giọng nói, tôi sử dụng da thịt và hơi thở của mình để tạo ra những âm thanh giao tiếp với mọi người xung quanh. Mỗi người trong dự án đều có phong cách văn hóa khác nhau, những câu chuyện của họ rất thú vị, chúng tôi không chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ nói mà còn có ngôn ngữ của âm nhạc và khi chơi nhạc với nhau tôi cảm nhận được sự đồng cảm rất mạnh mẽ giữa 6 nghệ sĩ. Chúng tôi ngồi cùng nhau hòa vào âm nhạc, ở đó chỉ có con người, âm thanh của nhạc cụ, của thiên nhiên. Đây là một cảm giác không phải ai cũng có thể cảm nhận được”, Trung Bảo hào hứng kể.

Trong những màn trình diễn ngẫu hứng trên cao nguyên núi đá hay trong không gian ngôi nhà cổ hơn trăm năm, Trung sử dụng âm vực, cơ trong khoang miệng để tạo âm thanh hòa nhịp cùng tiếng đàn tranh, tiếng sáo, tiếng khèn… tạo nên những bản nhạc mới vừa quen vừa lạ. “Việc lắng nghe tiếng nói của người Mông qua những câu chuyện nhỏ, tìm hiểu nhạc cụ và giọng nói của họ, tai nghe mắt thấy nghệ nhân chơi khèn, nhảy múa với khèn… khiến tôi cảm thấy Hà Giang không chỉ là mảnh đất của những âm thanh tuyệt vời, mà mọi khía cạnh âm thanh đều có tác động làm cho nhạc cụ có tính người và âm vọng”, beatboxer sinh năm 1997 chia sẻ.

Trung Bảo cũng từng hợp tác với nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ như nghệ sĩ guitar World Music Nguyên Lê, hay nghệ sĩ đa nhạc cụ và ca sĩ truyền thống Ngô Hồng Quang, kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với nhiều màu sắc và chất liệu khác nhau, kết nối khản giả với những góc nhìn đa chiều và phá bỏ ranh giới giữa những thể loại âm nhạc.

Trung Bảo tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ, Trường Đại học Pacific Northwest College of Art (thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ). Á Quân American Beatbox Championship 2016. Quán quân World Beatbox Camp 2017 . Top 4 Grand Beatbox Battle 2017. Top 3 vòng loại WildCard Grand Beatbox Battle 2019. Top 8 Grand Beatbox Battle 2018. Quán quân vòng loại Wild Card Grand Beatbox Battle 2020. Giám khảo người Việt đầu tiên tại cuộc thi beatbox quốc tế International Throwdown 21. Năm 2020, anh được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách “30 Under 30” (30 gương mặt dưới 30 tuổi).

Năm 2018, trong đêm nhạc “Nam Nhi” của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, sự xuất hiện của beatbox Trung Bảo khiến khán giả vô cùng ngạc nhiên và hào hứng. Tiếng beatbox của Trung góp giọng hòa tấu với đàn tính của Quang đã khiến khán giả vỡ òa cảm xúc và phá vỡ sự nghi ngại beatbox khó hòa quyện với dân ca. Trong suốt đêm nhạc, Ngô Hồng Quang cũng dành nhiều cơ hội để tiếng beatbox của Trung Bảo đối thoại với violin, viola, đàn nhị…

Dự án Thanh Cảnh sắp bước vào giai đoạn 2, trong tháng 9, nhóm của Trung Bảo sẽ lựa chọn những tác phẩm tiềm năng nhất để giới thiệu tại Counterflows Festival (Vương quốc Anh) vào năm 2024, nhằm bắc những cây cầu để đưa nghệ thuật bản địa Việt Nam ra thế giới. “Tôi muốn chứng minh rằng, âm nhạc truyền thống của Việt Nam không hề thua kém các nước khác mà nó còn có giá trị sâu sắc, vẻ đẹp riêng biệt” – anh chia sẻ thêm.

Bí mật “Đá tiếng nói”

Năm lên 8 tuổi, sau khi được xem một clip beatbox trên Youtube, cậu bé Nguyễn Bảo Trung đã tỏ ra vô cùng thích thú. Trung bắt đầu tìm hiểu và xem thêm các clip trên mạng, đồng thời học thêm các giáo trình online rồi tự về nhà tập luyện. Với những âm mới hay kỹ thuật mới, anh mất khoảng vài ngày để quen, nhưng cũng có những kỹ thuật khó, bắt buộc phải luyện tập vài năm mới thành thục. “Người ta cứ nghĩ beatbox còn xa lạ, nhưng thật ra nó rất gần gũi với chúng ta. Trong mỗi con người luôn có nhịp điệu, nhịp điệu của hơi thở, nhịp đập trái tim mình và trái tim của mẹ từ lúc còn chưa lọt lòng. Beatbox cũng là bộ môn duy nhất vừa là nhạc cụ, vừa là thể thao, vừa là ngôn ngữ”, chính điều đó thu hút và khiến Nguyễn Bảo Trung quyết tâm theo đuổi con đường trở thành một beatboxer chuyên nghiệp.

Trung Bảo của hiếm beatbox và ước mơ 'điên rồ' ảnh 1

Hí họa chân dung beatboxer Trung Bảo

Nói về những tố chất để trở thành một beatboxer, Trung cho rằng cần phải là một nhà sản xuất âm nhạc, lại vừa là người chọn âm thanh, nhóm nhạc và ca sĩ. Ngoài ra còn phải học cách tương tác với khán giả và đối thủ. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể. Và phải đảm bảo thể lực để có thể làm ra những âm thanh mạnh trong thời gian ngắn.

Năm 2017, Trung Bảo đồng sáng lập Fustic Studio. Đây là không gian để anh thỏa sức vẫy vùng sáng tạo khi kết hợp công nghệ và nghệ thuật. Anh cùng với nghệ sĩ đương đại người Anh Reeps100 đồng phát triển hệ thống Voice Gems (Đá Tiếng Nói) với mục đích bảo tồn những giọng nói độc đáo, có tầm ảnh hưởng và dễ bị tổn thương trên thế giới.

Trung Bảo giải thích, dự án này sử dụng dữ liệu từ 100 tiếng nói ẩn danh chế tác thành những viên đá quý kỳ diệu. Những viên đá quý hình thành từ giọng nói, bằng cách thu thập và tập hợp dữ liệu của những giọng nói đặc biệt từ khắp mọi nơi trên thế giới để dùng làm nguyên liệu sáng tạo. 3 viên đá đặc biệt #1018, #1019 và #1020 trong dự án đã được trưng bày tại triển lãm Proof of Art - một triển lãm về kỹ thuật số có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới tại bảo tàng OO Kunst - Áo và đồng thời trên bảo tàng số Cryptovoxels meta-verse. Tham vọng của Voice Gems là hướng đến một tương lai con người khám phá và đẩy giới hạn tiếng nói của mình. “Thử nghĩ xem giọng nói của chúng ta sẽ trông như thế nào nếu nó là một viên đá quý, và nó sẽ được bảo tồn trong 1000 năm tới?”, Trung mơ màng.

Trung Bảo của hiếm beatbox và ước mơ 'điên rồ' ảnh 2

Trung Bảo hòa giọng beatbox cùng với các nhạc cụ dân tộc trong dự án Thanh Cảnh 2023

Trung Bảo của hiếm beatbox và ước mơ 'điên rồ' ảnh 3

Những trải nghiệm đáng nhớ của Trung Bảo trong chuyến điền dã nghệ thuật ở Hà Giang

Có thể với nhiều người, ước mơ của Trung Bảo hơi “điên rồ”, bởi nghệ thuật số ở Việt Nam hiện tại vẫn còn khá mới. Nhưng anh chàng vẫn tin rằng, những nghệ sĩ đương đại Việt Nam trong tương lai gần sẽ xoá nhoà ranh giới của những công cụ và cùng công nghệ đưa khán giả tới những trải nghiệm nghệ thuật đa chiều hơn.

Sở hữu âm vực đặc biệt, cùng với kiến thức sâu rộng về những kỹ thuật biểu đạt giọng nói con người được thu thập từ nhiều nơi trên thế giới, Trung Bảo đã và đang đẩy xa giới hạn của tiếng nói con người, liên tục đổi mới và đạt được những giải thưởng cũng như sự đón nhận trong và ngoài nước. Những phần biểu diễn của Trung Bảo thu hút được lượng người theo dõi trực tuyến đáng kể, vượt qua 80 triệu lượt xem, củng cố vị trí của anh như một người tiên phong trong lĩnh vực thể nghiệm giọng nói con người. Nhờ sự mở đường của Trung Bảo, các beatboxer của Việt Nam đã được truyền cảm hứng, động lực và sự tự tin hơn trên con đường theo đuổi đam mê và đem beatbox Việt Nam vươn xa hơn.

“Chơi” với giọng nói, Trung cũng tự nghĩ ra những âm đặc trưng của riêng mình, điều đó giúp cộng đồng beatbox thế giới biết đến anh, cũng như mang về cho anh nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. “Âm đầu tiên là chữ “đ” trong tiếng Việt. Người bên Tây nghe chữ “đ” rất lạ, rất thích thú. Cái này là ảnh hưởng bởi ngôn ngữ, nên tôi rất tự hào về âm này. Tôi cũng có hứng thú với âm “r” và thử tạo ra âm thanh mạnh hơn với nó bằng cách đặt răng cạnh lưỡi, rồi thử nghiệm nhiều hơn để có được âm thanh độc bản của riêng mình”, Trung Bảo chia sẻ. Chính nhờ “phép thuật” trên âm “đ” và âm “r” đã giúp anh chàng trở thành “của hiếm” trong làng beatbox thế giới.