Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc
HHT - Có lẽ không một nhãn hàng nào muốn thể hiện tư tưởng phân biệt chủng tộc. Nhưng do sự chủ quan và thiếu hiểu biết, họ vô tình gây ra những khủng hoảng nghiêm trọng.

Sự phẫn nộ đang lan rộng ở Trung Quốc sau một chiến dịch quảng cáo của thương hiệu thời trang Dolce & Gabbana. Video cho thấy một người mẫu Trung Quốc đang phải “loay hoay” để ăn mì ống và bánh pizza bằng đũa. 

Phía D&G cho rằng họ đang thể hiện sự giao thoa văn hóa thú vị, nhưng khách hàng Trung Quốc lại cảm thấy bị xúc phạm khi bị mô tả như những kẻ kì dị, “quê mùa”. Năm 2017, hãng cũng có loạt ảnh DG Loves China với hình ảnh các người mẫu D&G xa hoa đứng bên cạnh những người dân Trung Quốc ăn mặc đơn giản, xuề xòa. Hai chiến dịch vô duyên cộng thêm lời phát ngôn gây sốc trên Instagram của ông chủ D&G khiến hãng thời trang đang đứng trước nguy cơ "hết đất sống" ở Trung Quốc.

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 1
Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 2
Hình ảnh gây tranh cãi từ quảng cáo D&G.

Cần nói thêm, D&G không phải là thương hiệu duy nhất bị tẩy chay vì nghi án phân biệt chủng tộc. Trước đó, Amazon từng gây tranh cãi khi để hình ảnh em bé người nước ngoài mặc đồ Trung Quốc, làm "mắt híp" hiển thị trên trang của mình. Nhưng vì đây là lỗi của một người bán hàng, hãng lại nhanh tay tháo gỡ sớm nên không gây ồn ào lớn.

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 3
Suýt nữa Amazon cũng phải "chia tay" với thị trường tỷ dân.

Đầu năm nay, thương hiệu thời trang nổi tiếng H&M vướng phải cuộc khủng hoảng diện rộng chỉ vì một chiếc áo khoác thể thao có in dòng chữ "chú khỉ tuyệt vời nhất rừng xanh" trên người cậu bé da màu. Người dân châu Phi nói riêng và người da màu nói chung phẫn nộ khi bị gọi là “khỉ”. Hàng loạt cửa hàng của H&M phải đóng cửa vì những người quá khích đến biểu tình và đập phá đồ đạc. Vụ việc khiến cổ phiếu H&M tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 4
Chiếc áo bình thường bỗng trở thành vấn đề tranh cãi.

Trước đó một năm, thương hiệu GAP cũng bị ném đá vì sự coi thường thấy rõ đối với người da màu. Trong một chiến dịch quảng cáo “Các bé gái có thể làm được mọi thứ”, hãng đã để một bé gái da trắng tì tay lên đầu một cô bé da màu. Cô bé đứng im tỏ vẻ cam chịu, cứ như cô chỉ ở đây để làm nền cho các bạn.

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 5
Cách tạo dáng "sai sai" của mẫu nhí trong quảng cáo GAP.

Pepsi có lẽ vẫn đang nuối tiếc vì đã sản xuất quảng cáo gây tranh cãi của Kendall Jenner. Quảng cáo lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình của người tham gia phong trào “Black Lives Matter" (Người da màu đáng được sống) nhằm chống lại sự bất bình đẳng và hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi. Nhưng cách thể hiện của hãng lại quá ngây thơ và phi thực tế. Chỉ với một lon Pepsi, mối căng thẳng sắc tộc có thể được xoa dịu ngay lập tức? Clip bị phản đối nhiều đến mức Pepsi phải gỡ xuống chỉ sau 1 ngày. Cả cô nàng Kendall Jenner vì tham gia trong quảng cáo nên cũng bị ghét lây.

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 6
Xin hiểu rằng không phải thông điệp nào cũng có thể mang vào quảng cáo!

Dove từng “phản pháo” tiêu chuẩn cơ thể hoàn hảo của Victoria’s Secret với chuỗi quảng cáo “Yêu cơ thể bạn”. Nhưng chính họ lại gây tranh cãi khi tung ra một quảng cáo sữa tắm cuối năm 2017. Trong đó, một người phụ nữ da màu sau khi cởi bỏ chiếc áo phông đã biến thành phụ nữ da trắng. Hình ảnh người phụ nữ da màu như được "tẩy trắng" gây cảm giác phản cảm cho rất nhiều người.

Trước D&G, hàng loạt thương hiệu lớn từng lao đao vì quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc ảnh 7
Không biết Unilever nghĩ gì khi tung ra chiến dịch này?

Ngay sau khi khủng hoảng nổ ra, các nhãn hàng nhanh chóng có 1001 lý do để biện minh. Tất cả các “ông lớn” đều khẳng định mình không hề có tư tưởng phân biệt chủng tộc, và những hình ảnh kia chỉ là hiểu lầm. Có lẽ, không một thương hiệu nào muốn dính vào tranh cãi chủng tộc, sắc tộc. Nhưng lẽ ra ngay từ đầu, họ nên tinh ý và cẩn trọng hơn. Vì không phải khách hàng nào cũng dễ tính, bỏ qua chỉ sau một lời giải thích. Thị trường Trung Quốc đã chứng minh điều đó. Chắc hẳn sự cố của D&G sẽ trở thành bài học đáng giá.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm