Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 vào ngày 7 - 8/7. Thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa sẽ dự thi đợt 2 với lịch cụ thể được Bộ GD&ĐT thông báo sau, căn cứ vào tình hình dịch và đề xuất của các địa phương.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là 1.015.000, nhiều hơn năm trước khoảng 100.000. Các thí sinh sẽ làm ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong hai ngày 7 - 8/7. Thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa sẽ dự thi đợt 2 với lịch cụ thể được Bộ GD&ĐT thông báo sau.
Những điều thí sinh cần lưu ý để tránh bị trừ điểm, hủy kết quả thi
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh vi phạm quy chế sẽ phải đối mặt với nhiều mức xử lý, tương tự năm ngoái. Mức nhẹ nhất là khiển trách. Nếu mắc lỗi nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác một lần trong buổi thi, thí sinh sẽ bị khiển trách và bị trừ 25% số điểm bài thi đó.
Khi đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ làm bài thi đó tiếp tục vi phạm quy chế ở mức khiển trách, trao đổi bài làm hoặc giấy nháp, chép bài của thí sinh khác hoặc để bạn khác chép bài của mình, thí sinh sẽ bị cảnh cáo và bị trừ 50% điểm bài thi.
- Thí sinh bị đình chỉ thi khi đã bị cảnh cáo một lần, nhưng trong giờ làm bài thi tiếp tục vi phạm quy chế ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo. Những em mang vật dụng trái phép vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài hoặc nhận bài giải từ ngoài vào; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác, cũng bị đình chỉ thi.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Ngoài ra, quy chế thi năm nay còn bổ sung thêm đối tượng bị đình chỉ so với năm ngoái. Theo đó, thí sinh không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển tới phòng chờ và trong thời gian ở đó cũng bị đình chỉ thi.
- Nếu như hình thức khiển trách và cảnh cáo thí sinh do cán bộ coi thi quyết định thì với trường hợp bị đình chỉ, cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định. Nếu trưởng điểm thi không nhất trí thì báo cáo trưởng ban coi thi quyết định.
- Thí sinh bị đình chỉ phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng ngay sau khi có quyết định. Những em này chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài tự luận và hết giờ làm bài trắc nghiệm. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ bài trong kỳ thi năm đó.
Ngoài những hình thức xử lý trên, thí sinh cũng sẽ bị trừ điểm nếu bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm. Mức trừ là 50% số điểm toàn bài.
Lưu ý trong những ngày ôn thi nước rút
Chia sẻ với Zing News, cô Văn Trịnh Quỳnh An - giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Gia Định (TP.HCM) lưu ý tới thí sinh một số vấn đề trong những ngày nước rút.
Cụ thể, thí sinh nắm chắc và biết phân biệt các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các kiểu đoạn văn...; sẵn sàng cho việc hỏi gì đáp nấy trong phần đọc hiểu. Điều đó đòi hỏi các thí sinh phải đọc đề thật kỹ.
Với phần đọc hiểu, các bạn có thể trả lời bằng cách gạch đầu dòng để rõ ràng về mặt ý; cố gắng tìm nhiều ý tốt nhất có thể. Phần viết đoạn văn, có thể không đủ các thao tác nhưng nhất thiết phải có lập luận và thông qua lập luận, ta thể hiện quan điểm thái độ của mình.
Với dẫn chứng, tránh sa đà vào việc kể lể dẫn chứng vì đoạn văn ngắn cần sự tinh gọn. Tuyệt đối không viết bài văn thu nhỏ với đầy đủ các thao tác lập luận.
Phần làm văn, các bạn không nên học tủ. Trong phần này, kỹ năng thực sự rất quan trọng, những phần thí sinh thường chủ quan lơ là như giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, đánh giá, kết bài... thực sự sẽ khiến thí sinh mất điểm còn nhiều lắm.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Trong khi đó, ở môn Toán, thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ Toán trường THPT Marie Curie - TP.HCM cho rằng, để đạt kết quả cao môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần có sự chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng khi làm bài, đó là ôn tất cả các kiến thức căn bản.
Học sinh cần coi thật kỹ 6 chuyên đề của kiến thức lớp 12 như khảo sát hàm số, mũ và logarit, hình học không gian, tích phân, số phức, hình học giải tích. Các thí sinh cần ôn tất cả kiến thức căn bản vì kiến thức căn bản trong đề tham khảo chiếm 8 điểm.
Với 8 điểm đó, các thí sinh có khả năng trúng tuyển vào khá nhiều trường ĐH cũng như có nhiều cơ hội để chọn. Ở chương trình toán lớp 11, như hướng dẫn của giáo viên thì học sinh cần ôn những nội dung như cấp số cộng, cấp số nhân, phép đếm, tính xác suất, tính góc và tính khoảng cách.
Về kỹ năng làm bài thi, thầy Toàn cho biết với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, với mức độ dễ thể hiện trong 25 câu đầu, trong đó, đề chỉ yêu cầu tái hiện các kiến thức cơ bản và có nhiều câu chỉ đòi hỏi kiểm tra công thức, kể cả các công thức liên quan đến lớp 11. Do vậy, thí sinh cần đánh giá nhanh câu dễ để loại bỏ ngay các phương án sai hoặc thấy ngay phương án đúng.