Vì vậy, các hành vi nhắn tin gạ gẫm quan hệ tình dục cũng được tính là quấy rối tình dục.
Hẳn bạn vẫn nhớ vụ diễn viên Minh Béo bị Văn phòng biện lý Quận Cam (OCDA, California, Mỹ) khởi tố với tội danh “gặp gỡ một trẻ em vị thanh niên với ý định thực hiện hành vi dâm ô”. Minh Béo bị tố cáo về hành vi lạm dụng địa vị để quấy rối tình dục trẻ vị thành niên với bằng chứng là những lời nói gạ gẫm quan hệ tình dục qua tin nhắn, chat. Vụ việc này có nhiều điểm tương đồng với vụ thầy giáo T. trường Chuyên Thái Bình nhắn tin gạ gẫm học sinh, tuy nhiên trong khi vụ việc tại Thái Bình mới chỉ xử lý đơn giản là mời các bên đến hòa giải và điều chuyển công việc của thầy giáo thì phía Mỹ coi vụ Minh Béo là hành vi phạm tội nghiệm trọng, lập tức bị tạm giữ với mức bảo lãnh cao trước khi xét xử.
Sự khập khiễng về cách xử lý trong hai vụ việc, đầu tiên có thể giải thích là vì hệ thống luật ở Việt Nam có nhiều khác biệt và thiếu các quy định cụ thể, chi tiết. Tuy việc sờ mông nhiều học sinh (dưới 16 tuổi) đã đủ dấu hiệu để khởi tố hình sự về tội dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi (điều 146 Bộ luật hình sự 2015), nhưng các hành vi khó phát hiện hơn như quấy rối tình dục bằng tin nhắn hay lời nói lại chưa được quy định cụ thể.
Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam quy định: “Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chứ, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục nhận”.
Tuy nhiên bộ quy tắc này vẫn chỉ mới là nội dung được soạn bởi Tổ chức lao động quốc tế ILO, chứ chưa phải là luật và cũng chưa có chế tài (được hiểu là hình phạt) đối với những người vi phạm quy tắc như luật.
Điều luật cụ thể về quấy rối tình dục nhất có lẽ là Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên nó cũng rất chung chung và khung hình phạt cũng không đủ sức răn đe. Cụ thể điểm a, khoản 1, Điều 5 có nêu:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Nhận xét về việc nhà trường điều chuyển thầy sang lớp khác, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng đó là quan hệ lao động giữa nhà trường và thầy, do đó vấn đề này nhà trường và thầy tự giải quyết. Tuy nhiên việc này và cả việc gia đình M. không đề xuất kỷ luật thầy giáo thì cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan công an.
Cô Ngọc Nữ đưa ra tư vấn về cách nhận biết hành vi gạ tình: “Ranh giới giữa gạ tình và tán tỉnh mỏng manh, không phải là thứ mà người ta có thể nhìn từ một phía. Hành động này với người này là tán tỉnh nhưng áp vào những người khác có thể biến thành gạ tình. Một khi bạn cảm thấy người đó chỉ đơn thuần là lợi dụng để đạt được những ham muốn về tình dục, đó chính là gạ tình”.