Trước thềm năm học 2023 - 2024: Bệnh 'kinh niên' tái diễn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học 2023-2024, Hà Nội tăng hàng chục nghìn học sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 trong khi trường lớp xây mới, sửa chữa không đáp ứng nhu cầu. Số học sinh tăng kéo theo tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

Phường có 3 trường công vẫn thiếu

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học tới, số học sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 đều tăng mạnh. Thành phố có 188.429 học sinh vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. Học sinh vào lớp 1 cũng tăng 11.600 em gây áp lực rất lớn cho hệ thống trường, lớp. Bậc THPT năm học 2024-2025 cũng tăng gần 6.000 học sinh.

Trước thềm năm học 2023 - 2024: Bệnh 'kinh niên' tái diễn ảnh 1

UBND quận Đống Đa (Hà Nội) vừa xây mới trường học đưa vào sử dụng cho năm học 2023-2024

Hà Nội hiện có 2.245 trường công lập, sĩ số trung bình 38,2 học sinh/lớp, tuy nhiên con số này không đồng đều. Nhiều trường hiện vẫn có sĩ số học sinh trên 50 em/lớp. Dù các quận, huyện đã sửa chữa, cơi nới phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai vẫn là “điểm nóng” của vấn đề tuyển sinh đầu cấp vì thiếu trường lớp, trong đó năm ngoái phụ huynh phải bốc thăm suất học mẫu giáo. Riêng học sinh tiểu học nhiều năm nay phải học luân phiên cả ngày thứ 7 mới đủ chỗ.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nói rằng, trước đây phường chỉ có 1 trường tiểu học nên áp lực rất lớn. Sau đó có thêm 2 trường nữa, gồm Tiểu học Chu Văn An và Tiểu học Linh Đàm, phân lại tuyến tuyển sinh, áp lực vơi dần nhưng với gần 2.000 học sinh, sĩ số gần 50 em/ lớp, trường vẫn phải cho học luân phiên cả cuối tuần. Trong mùa tuyển sinh năm nay, trường tuyển hơn 400 em vào lớp 1 và bố trí 10 lớp. Với tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, giải pháp duy nhất là xây dựng thêm trường, lớp để đáp ứng nhu cầu, bà Hạnh nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, cho biết, những năm trước trường có quy mô lên tới 64 lớp, gần 4.000 học sinh. Hằng năm, trường chỉ tuyển học sinh của 16 tổ trong phường Kim Liên đã quá tải.

Năm học 2023-2024, UBND quận quan tâm đầu tư, đốc thúc xây mới Trường Tiểu học Kim Liên và xây thêm Trường Tiểu học Đống Đa ngay bên cạnh kịp đưa vào sử dụng cho năm học này. “Việc xây mới thêm một trường nên tuyến tuyển sinh được chia lại, giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp cho nhà trường rất nhiều. Dù vậy, nhà trường cũng chỉ giãn được lớp học mà không giãn được sĩ số do mỗi trường chỉ có 30 lớp học. Trên thực tế, hiện trường đang có 32 lớp và cơ cấu giáo viên chỉ đáp ứng nhu cầu các lớp kể trên, tính cả giáo viên hợp đồng”, bà Chi nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, địa phương hiện có hơn 2,3 triệu học sinh. Số học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập hằng năm tăng gần 6% nên dù có xây thêm trường, sửa chữa, cơi nới các phòng học vẫn rất khó khăn, áp lực về trường, lớp.

Theo ông Cương, có một thực tế là tăng học sinh, xây mới thêm trường lớp sẽ càng thiếu đội ngũ giáo viên đứng lớp. Từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục không tăng. Năm ngoái, số lượng biên chế của Hà Nội chỉ đáp ứng được 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Hiện tại, tất cả trường học các cấp thiếu khoảng 10.000 giáo viên. Do đó, người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục có ý kiến với Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao thêm biên chế cho Hà Nội.

Cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên

Vấn đề thiếu trường lớp, thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở Hà Nội. Bộ GD&ĐT thừa nhận, hiện nay tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất... Một số địa phương thực hiện quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học.

Năm học mới 2023-2024, Bộ GD&ĐT thông tin, riêng năm học vừa qua ngành được giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, đến nay toàn quốc thiếu hơn 118.000 giáo viên, tăng hơn 11.000 người thiếu so với năm trước đó. Trong đó có những địa phương thiếu nhiều như: Hà Nội (thiếu khoảng 10.000 giáo viên), Thanh Hóa (thiếu 10.256 giáo viên)… Ngoài ra, thực hiện đổi mới chương trình, SGK nhưng một số môn học mới như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… chưa có giáo viên phổ biến ở các địa phương.

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là do Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THCS nên nguồn tuyển dụng còn khó khăn. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các ngành liên quan và chính quyền một số địa phương trong rà soát, đề xuất tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ còn chưa hiệu quả.

Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và cấp THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới…

MỚI - NÓNG