Trường CĐ Sư phạm (CĐSP) Nghệ An là một trong 33 trường CĐSP còn tồn tại được đến ngày nay trong khi các trường khác hoặc đã giải thể, hoặc đã trở thành trường CĐ đa ngành. Tuy nhiên, tương lai của trường như thế nào là một điều khó đoán định.
Năm ngoái, trường này thông báo tuyển 160 chỉ tiêu 6 mã ngành CĐ. Trong đó, các ngành SP toán, văn, sinh mỗi ngành 10 chỉ tiêu, nhưng cả 3 ngành này không tuyển được sinh viên nào.
Trước đó, mùa tuyển sinh 2017, dù Bộ GD-ĐT chưa quy định điểm sàn với khối ngành SP, 3 ngành này của trường cũng chỉ tuyển được vài thí sinh (TS), thậm chí có ngành còn không có TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Vì thế, năm nay trường chuyển hướng chỉ tuyển trình độ CĐ 3 ngành SP (mầm non, tiểu học, tiếng Anh) với 300 chỉ tiêu, trong đó 200 chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia. Sau lọc ảo, chỉ 114 TS đạt từ sàn do Bộ GD-ĐT quy định, trong đó ngành SP tiếng Anh có 6 TS, trong khi trường dự định lấy 15 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia.
Trường CĐSP Nam Định cũng va phải “kịch bản” tương tự, thậm chí còn trầm trọng hơn. Cả khoa tự nhiên của trường có 16 giảng viên, nhưng năm học 2018 - 2019 chỉ có 30 sinh viên (SV). Một số lớp quá ít SV: lớp toán tin K39 có 7 SV, lớp toán tin K40 có 3 SV. Khoa xã hội cũng không khá hơn khi lớp văn - giáo dục công dân K39 có 5 SV, lớp văn - giáo dục công dân K40 có 2 SV. Các lớp giáo dục thể chất, âm nhạc chỉ có 1 - 2 SV/lớp. Nhưng năm nay, trường vẫn tiếp tục thông báo tuyển sinh đủ “cơ cấu” các ngành với 239 chỉ tiêu. Sau lọc ảo, có 90 TS trúng tuyển, trong đó toán có 3, văn có 4, sử địa 3, âm nhạc 1. Các ngành lý - khoa học tự nhiên, thể chất không có ai trúng tuyển.
Trường lớn lấy hết, còn đâu cho trường địa phương !
Theo bà Lê Thị Ngoãn, Phó trưởng khoa Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GD, Trường CĐSP Nam Định, tuyển sinh CĐSP khó khăn là SV ra trường rất khó tìm việc làm (Nam Định vài năm gần đây không tuyển giáo viên THCS) nên số TS vào ngành học THCS ở Trường CĐSP Nam Định rất ít. Đặc biệt, cơ chế tuyển sinh hiện nay là bất lợi cho các trường CĐSP vì nhiều trường ĐH xét tuyển theo kiểu “lưới quét”. Bà Ngoãn nói: “Một số ngành của khoa này đứng trước nguy cơ tan rã. Đó cũng là thực trạng chung của các trường CĐSP trên toàn quốc”.
Còn cán bộ phòng đào tạo một trường CĐSP khác cho rằng: “Bộ định ra điểm sàn là 18 với ĐH, 16 với CĐ. Nếu theo quy luật phân hạng của các khối ngành khác, điểm chuẩn của các trường lớn sẽ vượt xa điểm sàn. Nhưng thực tế trong ngành SP, hầu hết các trường ĐHSP lớn đều lấy điểm chuẩn ngang mức sàn. Ngay cả Trường ĐHSP Hà Nội cũng nhiều ngành điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 18 điểm. Như vậy, có bao nhiêu TS đạt điểm sàn vào ngành SP và có nguyện vọng vào ngành SP, các trường lớn đều lấy hết, đâu còn phần cho các trường địa phương!”.
Chỉ cần giữ 6 đến 8 trường sư phạm chủ chốt
Theo các chuyên gia, cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên (trong đó 33 trường CĐSP) là quá nhiều. Nhiều năm qua, nhiều trường SP mới được mở ra, các trường không phải là SP cũng thành lập khoa SP, các trường CĐ thì nâng lên ĐH mà chủ yếu đào tạo SP nên thừa nguồn cung.
Khi Bộ GD-ĐT chưa áp dụng chính sách điểm sàn, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu. Giờ áp dụng điểm sàn nên các trường này tuyển được ít, hoặc không tuyển sinh được nữa là hiển nhiên.
“Một số địa phương đã có trường ĐHSP do Bộ GD-ĐT quản lý, có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo viên nhưng vẫn duy trì trường CĐSP. Nhiều địa phương có trường CĐSP và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh nhưng tuyển giáo viên thì lấy người tốt nghiệp ĐH”, GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, nhận xét.
Mới đây, Trường ĐHSP ĐH Thái Nguyên đã thực hiện đề tài khoa học “Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường SP và thành lập một số trường SP trọng điểm”, do GS Phạm Hồng Quang chủ trì. Đề tài đề xuất đến năm 2025 hình thành một mạng lưới 6 - 8 trường SP chủ chốt. Đến năm 2030, chỉ còn 3 trường SP trọng điểm cho 3 miền, phát triển theo mô hình đại học, cùng 3 - 5 trường SP chủ chốt. Các cơ sở đào tạo giáo viên khác chuyển thành vệ tinh của các trường SP trọng điểm và chủ chốt, trong đó giảm số lượng trường SP ở các địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn.
“Giải thể trường trung cấp SP và không tổ chức đào tạo GV ở các trường trung cấp chuyên nghiệp đa ngành khác. Các trường CĐ đa ngành có chương trình đào tạo xây dựng lộ trình giảm và dừng đào tạo trước năm 2025”, GS Phạm Hồng Quang kiến nghị. Nếu đề tài được nghiệm thu thì nội dung đề tài sẽ là nội dung quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT về quy hoạch mạng lưới SP.