Trường học hạnh phúc - kỳ 2: Không như là mơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây dư luận dậy sóng trước những clip, hình ảnh bạo lực học đường khiến nạn nhân hoảng loạn đến mức bị tâm thần; Bệnh thành tích còn biến học sinh trở thành “rô bốt” cho những cuộc “chạy sô” học thêm.

Bạo lực xâm lấn học đường

Những ngày qua, dư luận không khỏi “sốc” trước thông tin một học sinh lớp 7 ở Thạch Thất, Hà Nội bị các bạn đánh đến mức phải điều trị tâm thần nhiều tháng liền. Xót xa hơn khi gia đình xác định nam sinh này đã bị tâm thần vĩnh viễn. Trước đó, nam sinh này đã bị đánh bởi 8 bạn cùng trường nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Tại Đắk Lắk, một vụ bạo lực học đường, 10 học sinh đánh một nữ sinh lớp 4 cùng lớp, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk). Những vết bầm tím khắp người cùng với chi chít các vết nhọn chọc sâu vào bả vai nữ sinh này (được cho là dùng bút đâm) khiến nhiều người kinh ngạc: “Học sinh lớp 4 mà đã bạo lực dã man đến vậy”.

Ông Nguyễn Duy Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn lấy làm tiếc về vụ bạo lực xảy ra tại trường. Ông cũng xót xa khi các em còn nhỏ mà đã có những hành động tấn công bạn như vậy. Ông Lam nói, rất ý thức được trách nhiệm trong việc giáo dục, nhất là những học sinh cá biệt. Nhà trường sẽ dùng “đức trị” để răn đe, không để vì sai lầm này mà các em trượt dài. Như vậy sẽ trở thành mầm họa cho xã hội.

Từ đầu năm học đến nay, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (trong đó có Đắk Lắk, Nghệ An), xảy ra rất nhiều vụ bạo lực học đường với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Dù các ngành, các cấp đã quán triệt, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, thậm chí làm hẳn đề tài nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra giải pháp đẩy lùi nhưng vấn nạn này vẫn nhức nhối.

“Học sinh thời nào cũng có sự trong trẻo, hồn nhiên và rất cần sự quan tâm từ gia đình và thầy cô giáo. Tôi không quá tạo áp lực về thành tích mà luôn chú trọng việc thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ và động viên, tạo động lực để các em vươn lên. Kể cả bây giờ dạy các cháu trong nhà, tôi cũng không cho học quá sớm mà để trẻ phát triển tự nhiên theo đúng lứa tuổi của mình”. Cô giáo Nguyễn Thị Toán

Cô Nguyễn Thị Toán, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), nghỉ hưu gần 1 năm nay. Tuy không còn đứng trên bục giảng hay làm công tác quản lý giáo dục song nhắc đến nghề cô vẫn rất tâm huyết. Trước hiện tượng bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây, cô Toán bày tỏ nỗi xót xa. Bởi hậu quả của vấn nạn này quá nặng nề, trở thành vết thương sâu trong lòng học trò và có thể ám ảnh mãi về sau. Giáo viên phải là nơi để học sinh tin tưởng, tâm sự, kể cả những mâu thuẫn trong cuộc sống. Để ngăn ngừa từ xa vấn nạn này, theo cô Toán, chỉ có thể là giáo dục, là sự gần gũi, chia sẻ, khuyên nhủ của cả người thân trong gia đình và thầy cô giáo.

Vì sao học sinh chưa hạnh phúc khi đến trường?

Có một thực tế trong nhiều lớp ở cả 3 cấp học có hiện tượng cả lớp học sinh giỏi hoặc chỉ có vài học sinh khá, 1-2 em trung bình. Bệnh thành tích đã biến học sinh trở thành “rô bốt” cho những cuộc “chạy sô” học thêm. Phụ huynh có nhiều lý do để sợ nên đành đăng ký cho trẻ học thêm.

Anh Vũ Văn Nam có con học trường Tiểu học thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An cho biết, mỗi tuần, ngoài giờ học trên lớp, con gái anh phải đi học thêm cô giáo chủ nhiệm 6 buổi. Các môn học là Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt. “Năm lớp 1, lớp 2, tôi không cho con đi học thêm vì mong con được thoải mái, không muốn tạo áp lực cho con. Kết quả là trong hai năm liền, cả lớp chỉ có mình cháu là không được giấy khen. Lên lớp 3, vì sợ con bị xa lánh, tự kỷ, phân biệt đối xử trong lớp nên gia đình đành phải cho con đi học thêm. Nhiều phụ huynh cũng tâm sự, việc cho con đi học thêm cô chủ nhiệm để tạo quan hệ là chính. Học sinh nào học thêm đều được ưu ái hơn những bạn không học”, anh Nam cho hay.

Trường THPT Diễn Châu 3 là ngôi trường đầu tiên của tỉnh Nghệ An thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc. Để việc xây dựng đi vào chiều sâu, nhà trường xây dựng sứ mệnh, mục tiêu và đưa ra nhiều giá trị cốt lõi. Trong đó có các tiêu chí tôn trọng, trách nhiệm, trung thực, hợp tác, sáng tạo, đoàn kết, nhân ái nhưng điều thay đổi rõ nhất chính là những ứng xử trong cuộc sống hàng ngày để tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện. “Việc xây dựng trường học hạnh phúc là phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều áp lực trong môi trường giáo dục. Đó là học sinh đối mặt với áp lực thành tích, áp lực điểm số, kỳ vọng của người lớn khiến các em chưa cảm thấy thực sự vui vẻ và hạnh phúc khi đến trường. Giáo viên cũng có nhiều áp lực và chưa thật sự cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình”, thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 chia sẻ.

Trường học hạnh phúc - kỳ 2: Không như là mơ ảnh 1

Cô giáo vùng sâu luôn đồng hành cùng học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Toán, trường học hạnh phúc là nơi học sinh vui vẻ, không sợ hãi khi đến trường và trong mỗi giờ học trên lớp. Các thầy cô cũng tươi vui, an tâm, nhiệt huyết, hăng say với nghề. Để đạt được những điều đó, ngoài yếu tố là sự trân trọng, quan tâm của toàn xã hội đối với nghề dạy học thì tự thân mỗi thầy cô phải luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng sư phạm, truyền cảm hứng, động lực và những cảm xúc tích cực cho học sinh. “Học sinh thời nào cũng có vất vả, khó khăn, áp lực riêng. Chưa chắc học trò hôm nay đã phải chịu áp lực nhiều hơn thế hệ trước. Vì ở thời đại xã hội hóa giáo dục các em có nhiều cơ hội theo đuổi việc học, trong khi trước kia để đậu vào một trường đại học nào đó là rất khó khăn do chỉ tiêu hạn hẹp”, cô Toán tâm sự.

Cô Toán chia sẻ, chương trình giáo dục hiện nay đã khác xưa nhiều. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của giáo dục là “trồng người” và sự trưởng thành trong nhân cách học trò rất cần được dành nhiều thời gian để rèn giũa. Kiến thức hổng có thể bù lại nhưng “búp non” không uốn mà để thành tre thì rất khó.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.