110 năm ngày sinh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp

Truyền cảm hứng từ những điều bình dị

0:00 / 0:00
0:00
Ðại tướng quây quần bên con cháu (Ảnh tư liệu)
Ðại tướng quây quần bên con cháu (Ảnh tư liệu)
TP - Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất quan tâm và chăm lo cho gia đình, không chỉ với con cái mà cả với con cháu trong họ hàng. Ðại tướng đề cao tính tự lập, lấy truyền thống gia đình để truyền cảm hứng cho các thế hệ. Suốt cuộc đời Ðại tướng chưa một lần sử dụng đến quyền uy của mình gây ảnh hưởng hoặc để giúp đỡ con cháu. Ðại tướng luôn biết cách truyền cảm hứng để khích lệ con cháu vượt qua thử thách, gian khó gặt hái thành công.

Chia nhau từng nửa múi cam

Ông Võ Đại Hàm (cháu thúc bá gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông) kể: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, về tiếp quản Thủ đô, ông Võ Thuần Nho cùng bà cụ thân sinh về thăm quê. Sau chuyến về quê này, ông Võ Thuần Nho đã đưa ông Võ Đại Hàm ra Hà Nội, lúc đó ông Hàm mới 11 tuổi. Nguyên nhân mà ông Võ Thuần Nho đưa ông Hàm ra Hà Nội, không chỉ vì bà con họ hàng mà còn vì cha ông Hàm là liệt sỹ chống Pháp, hi sinh trong khi đánh đồn địch dưới sự chỉ huy của ông Võ Thuần Nho, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Lệ Thủy.

Ở nhà ông Võ Thuần Nho được một thời gian ngắn, ông Hàm chuyển sang ở nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà ông Võ Thuần Nho nằm trên đường Trần Hưng Đạo, xe cộ qua lại nhiều, bà cụ thân sinh Đại tướng sợ ông Hàm gặp tai nạn. Vậy là ông Hàm được ở nhà Đại tướng tại số 30 đường Hoàng Diệu từ khi học tiểu học cho đến khi học hết phổ thông nên được người nhà Đại tướng xem như thành viên trong gia đình. Sau này học đại học và đi làm, ông Hàm vẫn xem nhà Đại tướng là nơi chốn đi - về, nên ông Hàm biết được rất nhiều chuyện đời thường của gia đình Đại tướng.

Truyền cảm hứng từ những điều bình dị ảnh 1

Ðại tướng luôn quan tâm đến tất cả mọi người, nhất là trẻ nhỏ

Ông Hàm kể: Mặc dù là Đại tướng, là Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng vì hoàn cảnh đất nước lúc đó nên cuộc sống gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất khó khăn. Cũng như bao gia đình khác, gia đình Đại tướng cũng ăn theo suất thời bao cấp. Ngày đó, bữa ăn của các nhà lãnh đạo cấp cao như Đại tướng đều do cửa hàng số 8 Tông Đản cung cấp thức ăn. Nếu gia đình Đại tướng có khách đến thăm, ở lại ăn cơm thì phải báo trước với ông Dưỡng (người đầu bếp của gia đình Đại tướng lúc đó), nhưng cũng chỉ có thêm suất cơm, còn thức ăn thì không thêm. Cả nhà phải nhường một phần thức ăn của mình cho khách.

“Trong bữa ăn của gia đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường có 1 nồi cơm riêng, 1 món riêng, bác sỹ bắt ông phải ăn hết, còn lại là ăn thức ăn chung với gia đình. Lúc đó chú Võ Điện Biên còn nhỏ, vẫn thường đưa bát xin Đại tướng “Ba ơi, ba cho con miếng cơm cháy”. Ăn xong, bao giờ cũng có món tráng miệng, nhưng chỉ duy nhất một phần cho Đại tướng, khi thì miếng dưa hấu hay đu đủ; chỉ cam, chuối, na… là được cả quả. Suất tráng miệng này bác sỹ cũng bắt Đại tướng ăn hết. Nhà con cháu đông lại đang còn nhỏ, thương con cháu, Đại tướng thường giấu bác sỹ bẻ từng miếng chuối, từng nửa múi cam chia cho con cháu trong nhà” - ông Hàm kể.

Theo ông Hàm, nhà Đại tướng có một kỷ luật, trong bữa ăn là không được nói chuyện. Khi chưa có ti vi, Đại tướng thường bỏ chiếc radio bên cạnh để nghe tin tức trong bữa ăn. Ăn xong, uống nước thì cả nhà bắt đầu chuyện trò. Đại tướng là người vui vẻ hài hước, ông thường kể những chuyện về quê hương, dòng họ và bản thân mình thời nhỏ, như cách để truyền cảm hứng con cháu. “Chuyện học hành của con cháu trong nhà Đại tướng hầu hết rất tự giác, nên hầu như Đại tướng không phải phiền lòng. Ăn xong, sau khi uống nước là ai vào bàn nấy ngồi học cho đến giờ lên giường ngủ. Đại tướng thường dạy con cháu phải biết yêu thương, tôn trọng với mọi người. Đặc biệt là với những vệ binh phục vụ trong gia đình, ra vào phải chào hỏi, đi thưa về trình… đừng để mọi người nghĩ con cháu Đại tướng không có lễ phép” - ông Hàm nói.

“Ông cũng từng thi trượt Quốc học lần đầu”

Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến gia đình và có cách quan tâm con cháu rất đặc biệt. Ngay bản thân ông Hàm là cháu thúc bá, ở trong nhà, nhưng Đại tướng cũng thể hiện sự quan tâm rất sát sao, không thua gì con cháu ruột thịt. “Năm 1962, tôi tốt nghiệp phổ thông, chờ sắp xếp đi nước ngoài học đại học, vì tôi là con liệt sỹ nên được ưu tiên. Ban đầu họ xếp tôi đi chuyến đầu sang Tiệp Khắc. Không biết ai báo cáo hay sao mà Cụ biết, gọi tôi nói chuyện: “Tiệp Khắc đang rất lộn xộn, cháu sang đó không biết thế nào, hay là đi Trung Quốc”. Nghe lời cụ tôi xin đi Trung Quốc, cũng chuyến đầu tiên. Tôi sang Trung Quốc học tiếng 1 năm, sau được vào Đại học Thanh Hoa, học khoa Vũ Trụ. Chương trình học là 8 năm, nhưng sang năm thứ tư thì xảy ra Cách mạng Văn Hoá nên phải bỏ học giữa chừng trở về Việt Nam” - ông Hàm kể.

Theo ông Hàm, có lẽ vì yêu thương con cháu hết mức nên Ðại tướng gần như nắm rõ tình hình học tập, cuộc sống của từng người trong gia đình. Mỗi lúc ai đó có “biến cố” Ðại tướng thường gặp riêng để nghe tâm sự và đưa ra những lời khuyên thiết thực.

Vừa về đến nhà, sau bữa ăn Đại tướng gọi riêng ông Hàm ra nói chuyện. “Ông cụ hỏi tôi: “Cháu có ân hận gì không, cháu có oán ai không?” Tôi trả lời ngay: “Việc cháu trở về là do tình hình ở nước bạn, nên cháu cũng không ân hận và cũng không oán trách ai cả”. Thấy tôi trả lời thế, ông cụ rất vui rồi hỏi tiếp: “Vậy bây giờ cháu đã tính gì chưa?”, tôi trả lời: “Cháu phục tùng tổ chức, tổ chức bảo làm gì, đi đâu cháu đều nhận.” Ông cụ nói tiếp: “Vậy thì tốt, nên tiếp tục cố gắng học hành” - ông Hàm kể.

Nghe lời Đại tướng, ông Hàm tiếp tục đăng ký học Khoa chế tạo máy ở Đại học Bách khoa. Tốt nghiệp và ra đi làm ở Nhà máy Trần Hưng Đạo, cho đến năm 1978 thì về quê trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo ủy nhiệm của gia đình Đại tướng.

“Năm đó có người cháu thi trượt năm đầu đại học bị sốc tinh thần, vừa buồn, vừa sợ không dám gặp Đại tướng. Ông cụ biết chuyện, gọi người cháu này đến nói chuyện. Sau khi hỏi han cháu cặn kẽ, ông cụ nói: “Ông đây cũng từng thi trượt Quốc học lần đầu. Căn bản bây giờ cháu có quyết tâm thi lại cho đậu hay không thôi”. Nghe ông cụ nói thế, người cháu mới hết sợ và đã quyết tâm ôn luyện. Đến kỳ thi tiếp theo, người cháu này đã đỗ rất cao vào trường đại học mà mình yêu thích” - ông Hàm kể.

MỚI - NÓNG