Truyền thống.com

Truyền thống.com
TP - Truyền thống tất nhiên cần phải được “làm mới”, chứ không thể ôm khư khư cái cũ khi đã bị hủ tục hóa.

Chén nước mắm lại đang gây bão. Và thêm một lần truyền thống lại được giải cứu bởi truyền thông (sạch), liên quan đến nước mắm cổ truyền. Khá ngược với số phận của “taxi truyền thống” trong mắt truyền thông, trong phiên tòa tranh chấp kinh tế vừa gây ồn ào trước đó.

Truyền hình truyền thống đã tắt sóng ở hầu hết các tỉnh thành. Thay bằng truyền hình số. Nhưng cũng trên truyền hình số, người xem lại đang say sưa với vô số những show đi tìm ký ức. Những “Quán thanh xuân”, “Ký ức vui vẻ”, “Miền ký ức”, “Giai điệu tự hào”, … Thời bao cấp cũng đang “sống lại” với vô số triển lãm, sách báo, phim ảnh cho đến những quán cafe, ẩm thực.

Chiếc tàu điện leng keng chạy quanh Bờ Hồ, cái máy khâu con bướm, cái tủ chè, trạn đựng bát cũ kỹ, đến những bài hát xưa… - đó là “thời gian đã mất” mà tâm lý hoài niệm của con người luôn muốn tìm lại. Đó chỉ là quá khứ, là ký ức, chứ không/chưa phải truyền thống. Nó rồi sẽ phải ra đi nhường chỗ cho những ký ức khác, ký ức của những K-pop, nhạc điện tử của lứa 9X, 10X bây giờ sau vài chục năm nữa. Đó là quy luật.

Truyền thống phải là thứ được kỳ công chắt lọc qua hàng ngàn năm, như người nông dân chắt lọc từng giọt mắm nhĩ. Phải mang giá trị cốt lõi, tinh hoa và thăng hoa, bền bỉ lắng sâu trong tâm thức và đời sống hàng ngày của cộng đồng. Truyền thống không phải là những lò luyện “cấp tốc” môn Lịch sử, những đội “phản ứng nhanh” với Sử gồm cha mẹ, giáo viên và học sinh, như ở Hà Nội bây giờ, khi ngành giáo dục Thủ đô vừa yêu cầu phải thi môn thứ 4 là Sử trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Truyền thống không phải/khó thể được gìn giữ bằng những dự án trăm, ngàn tỷ. Những dự án làng văn hóa dân tộc, những bộ sách “khủng” về văn hóa, văn nghệ dân gian. Hay như dự án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc đang triển khai. Đã có không ít những dự án bảo tồn, mà khi đổ tiền vào là chẳng còn thấy “truyền thống” ở đâu nữa. Những thứ bê tông, cao ốc, công trình với đủ thứ kỷ lục hôm nay liệu có trở thành di sản đời sau?

Truyền thống tất nhiên cần phải được “làm mới”, chứ không thể ôm khư khư cái cũ khi đã bị hủ tục hóa. Con người sau này ăn uống có thể sẽ không còn cần bát đũa, thìa nĩa, hay nấu nướng, mà thay vào đó là những thứ hạt tổng hợp. Như với loại thú cưng mà chúng ta đang nuôi nấng bây giờ.

Cũng như mai mốt con người sẽ không còn hạnh phúc, vui, buồn kiểu "truyền thống", mà buồn vui, hạnh phúc theo công nghệ. Khóc cười bằng cấy gen công nghệ. Truyền thống cũng đến lúc sẽ trở thành Truyền thống.com, Truyền thống – hi-tech.

Cũng như sinh mệnh của truyền thống giai đoạn nào đó có thể sẽ chết dưới tay quyền lực và tiền bạc.

Nhưng soi vào lịch sử nhân loại, không quyền lực và tiền bạc của một chủ thể hay chính thể nào có thể tồn tại mãi mãi. So với sức sống của những truyền thống văn minh và tinh hoa đúng nghĩa.

MỚI - NÓNG
Anh Thạo bên mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thắng
Kỳ nhân khắc mộc bản ở Bắc Ninh
TPO - Anh Nguyễn Văn Thạo (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xem là một kỳ nhân khắc mộc bản vùng đất Kinh Bắc. Nhiều năm qua, anh chuyên tâm với niềm đam mê khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại.