TS Hoàng Ngọc Vinh: Không thể lấy tỷ lệ phân luồng để 'ép' học sinh THCS đi học nghề

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Tăng thêm sĩ số trên lớp thì thêm được bao nhiêu chỗ học? Hà Nội cần có thêm giải pháp như tăng thêm 3 ca hoặc đào tạo tín chỉ; Chương trình phân luồng, hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý, không thể lấy tỷ lệ phân luồng để 'ép' học sinh THCS vào học nghề...'', Đây là những chia sẻ của TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT)  xung quanh việc học sinh, phụ huynh ở Hà Nội vật vã để giành suất vào học lớp 10 công lập.

Sở Giáo dục Hà Nội đề xuất mở thêm 5 lớp ở mỗi trường, sĩ số lớp từ 45 lên 50 ở khu vực nội thành và giáp ranh để tăng số chỗ vào lớp 10 trường công. Bởi tỉ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 chỉ khoảng 61%.

Đề xuất học ba ca, hỗ trợ học phí ở trường tư

PV: Sở Giáo dục Hà Nội đề xuất mở thêm 5 lớp ở mỗi trường, sĩ số lớp từ 45 lên 50 ở khu vực nội thành và giáp ranh để tăng số chỗ vào lớp 10 trường công. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Ở Hà Nội nặng về câu chuyện đầu tư cơ sở vật chất nên đề xuất tăng sĩ số lớp học từ 45 lên thành 50 học sinh không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, Hà Nội cần trả lời được là nếu tăng quy mô như vậy thì tăng lên bao nhiêu chỗ học trong tầm quản lý được. Vì nếu không cẩn thận tăng lên được sĩ số mà cuối cùng chất lượng giảng dạy lại suy giảm.

TS Hoàng Ngọc Vinh: Không thể lấy tỷ lệ phân luồng để 'ép' học sinh THCS đi học nghề ảnh 1

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, GD&ĐT

PV: Liệu tăng sĩ số học sinh, lớp học đã là giải pháp thiết thực, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Theo tôi, Hà Nội cũng cần có giải pháp khác. Đất Hà Nội khan hiếm như vậy thì phải có một cơ chế khác.

Hà Nội có thể nghiên cứu cho các em học ba ca ở trong thành phố. Nếu muốn làm được điều này thì phải chuẩn bị đội ngũ thầy cô giáo, các giáo dục quản lý.

Thêm nữa, Hà Nội có thể nghiên cứu đào tạo theo tín chỉ một cách sớm nhất để việc học có thể mềm dẻo, linh hoạt chứ đừng cứng nhắc. Các nước đã đào tạo theo tín chỉ từ lâu rồi, có như vậy mới đỡ được việc áp lực khi tuyển sinh vào lớp 10.

Ngoài ra, Hà Nội cần có cuộc rà soát, kiểm tra lại một số cơ sở, những trường chỉ xây 1 tầng hay 2 tầng thì liệu giai đoạn tiếp theo có cho phép xây dựng 3 hay nhiều tầng hơn nữa được không?

Hà Nội phải chú trọng chuẩn đầu ra chứ tính chuẩn theo diện tích thì không bao giờ đạt được. Cứ xây dựng cho Hà Nội chuẩn đầu ra tốt là được. Chứ cứ bàn chuẩn diện tích xong “úp” một công thức chung thì không bao giờ Hà Nội đạt được điều đấy.

Có một chính sách nữa để khuyến khích học sinh không phải bằng mọi cách vào trường công lập mà có thể vào học trường tư bằng cách hỗ trợ học phí.

Hà Nội nên xem xét xem có thể xin cơ chế đặc thù về học phí. Với học trường tư thì Nhà nước liệu có hỗ trợ học phí trường tư ngang với trường công không? Học nghề bây giờ trường tư - công đều được Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước làm được cho học nghề sao học phí phổ thông lại không làm được. Đã là cơ chế đặc thù thì cần cân nhắc hết thảy mọi phương án để đề xuất.

Cần phải nhìn lại chiến lược tư duy của phân luồng

PV: Ông nghĩ sao về việc nhiều năm nay, phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm mong có thể đăng ký suất học cho con vào lớp 10?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Nếu năm nào Hà Nội cũng để người dân kêu như vậy thì làm sao người dân có thể yên tâm cống hiến đóng góp xây dựng thủ đô.

Đây là nhu cầu chính đáng của người dân cần đáp ứng, trừ trường hợp các em không thể học được THPT thì lúc đó hãy hướng con em họ học nghề ngắn hạn hay dài hạn để sau này có công ăn việc làm.

Hà Nội phải suy nghĩ lại chiến lược về phân luồng một cách nghiêm túc khi nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế số nhiều. Lực lượng kĩ năng rất cần nền tảng văn hóa kiến thức cơ bản THPT. Có như thế sau này các em đi học nghề mới dễ đào tạo.

Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, công tác phân luồng cần nhìn nhận một cách khôn ngoan. Người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa phổ thông trung học để có thể học suốt đời. Bởi vậy, không thể lấy tỷ lệ phân luồng để “ép” học sinh THCS vào học nghề"- TS Hoàng Ngọc Vinh

Nếu ở độ tuổi này đi học nghề sớm quá, các em sẽ chủ yếu làm những công việc liên quan đến lao động tay chân hoặc xuất khẩu lao động. Tương lai 5 đến 10 năm nữa, chúng ta khó có nguồn đầu vào tốt đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học phục vụ cho nền kinh tế năng động, đổi mới và sáng tạo.

Do đó, chiến lược phân luồng học sinh rất cần phải thay đổi trong hoàn cảnh hiện nay để các em có thể “chống chọi” được với những thách thức, yêu cầu kỹ năng của thế kỷ 21, đặc biệt trong nền kinh tế số.

PV: Chúng ta vẫn nói đến chương trình phân luồng, hướng nghiệp ở các trường phổ thông. Phải chăng hiện chúng ta làm chưa hợp lý nên tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi cho rằng chương trình phân luồng, hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT hiện chưa hợp lý. Cần có phương pháp tích hợp ngay từ cấp tiểu học để học sinh được làm quen, tiếp cận với nghề nghiệp trong xã hội. Hiện, một số trường đã có sự thay đổi, hình thành thói quen tìm hiểu nghề nghiệp từ bé chứ không phải đợi trẻ lớn lên mới đưa môn học hướng nghiệp vào để phân luồng.

Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, công tác phân luồng cần nhìn nhận một cách khôn ngoan hơn. Người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa phổ thông trung học để có thể học suốt đời. Bởi vậy, không thể lấy tỷ lệ phân luồng để “ép” học sinh THCS vào học nghề. Chỉ nên phân luồng những người không thể học được ở bậc THPT do sức khỏe, điều kiện kinh tế, không học được hoặc không muốn học. Chúng ta nên tạo điều kiện tối đa để các em được tiếp tục đi học lớp 10.

Thủ đô là niềm tin và hy vọng của cả nước mà nếu để tình trạng chạy trường, chạy lớp, chuyển cấp thì lãng phí niềm tin và hy vọng của người dân.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG