Câu chuyện giữa ca sĩ Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân có thể tóm tắt như sau. Nghệ sĩ Trung Dân và Hương Giang Idol cùng tham gia một gameshow. Khi phải điền vào chỗ trống cho câu “Trung Dân thường thích khám phá máy móc và từng bị thương một lần khi đút đầu vào…”, Hương Giang Idol đã trả lời: “Đút đầu vô cầu tiêu”.
Khi thấy đáp án như vậy, nghệ sĩ Trung Dân đã phản ứng: “Cô đừng nói như vậy, quá đáng. Cô bỏ đáp án đó đi”. Nhưng Hương Giang Idol vẫn giữ quan điểm của mình và cho rằng đó là cách suy luận của riêng cô. Giận vì cảm thấy mình không được tôn trọng, nghệ sĩ Trung Dân đã bỏ về.
![]() |
Cách cư xử của Hương Giang Idol trong câu chuyện trên là không đúng. Hoàn toàn không đúng. Khi tham gia chương trình gameshow, đồng ý rằng chương trình ấy hay đùa vui như thế, bản thân Hương Giang Idol cũng từng được đem ra làm ví dụ đùa vui như thế. Nhưng như người ta hay nói: “Vui thôi, chứ đừng vui quá!”. Ở trường hợp này, Hương Giang Idol đã quá vô ý khi không suy nghĩ thấu đáo xem người mà mình đang đùa vui đó là ai. Là nghệ sĩ Trung Dân, một tiền bối đáng kính trọng, một người lớn hơn mình cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Không cần là người nổi tiếng, không cần là trong một chương trình gameshow, ngay cả trong cuộc sống nếu một người trẻ đùa như thế với người lớn đã là không nên.
![]() |
Hương Giang Idol có thể đã vô ý làm tổn thương nghệ sĩ Trung Dân, và thiếu đi sự tinh tế khi xử lý tình huống đó. Khi nghệ sĩ Trung Dân đề nghị sửa đáp án, Hương Giang Idol lẽ ra nên nhận ra ngay vấn đề mình đã sai và sửa đáp án, xin lỗi tiền bối. Nhưng Hương Giang Idol vẫn cho đó là ý kiến riêng của mình nên sự việc mới trở nên trầm trọng và đi xa hơn.
Cách cư xử của Hương Giang Idol trong sự việc trên đã sai. Nhưng việc gì ra việc nấy, sai chỗ nào thì chỉ ra chỗ đấy. Nhưng đáng buồn là từ một chuyện sai về cách cư xử, rất nhiều lời chỉ trích đã hướng mũi dùi sang cả giới tính của nữ ca sĩ. Những lời nặng nề, thậm chí có thể nói là thóa mạ vô văn hóa như “con bê đê”, “thằng bóng”, “khiếm khuyết giới tính nên khiếm khuyết cả nhân cách”… không ngừng tuôn ra, không ngừng xối xả, không ngừng miệt thị... Và nó đã đi sai hướng với câu chuyện. Hương Giang Idol sai về cách cư xử, nhưng điều đó không có nghĩa giới tính của cô gây ra việc sai đó. Hai việc đó vốn tách bạch với nhau, rõ ràng là như vậy.
![]() |
Sống là chính mình không phải việc dễ. Sống đúng với giới tính của mình lại càng khó khăn hơn, dù chúng ta đang sống ở thời đại cởi mở và văn minh. Câu chuyện về chàng trai Einar muốn trở thành cô gái Lili trong cuốn sách và bộ phim cùng tên Cô gái Đan Mạch đã làm thổn thức nhiều trái tim vì tinh thần đó. Câu chuyện về một con người dũng cảm, đã đi một hành trình dài, chịu đựng đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, chỉ để được là chính mình, được sống đúng với giới tính của mình. Khi được sinh ra, chúng ta không được tự chọn lựa trí tuệ, ngoại hình hay giới tính của mình.
![]() |
Trong suốt bao năm qua, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, rất nhiều người đã lên tiếng đấu tranh vì cộng đồng LGBT. Để họ được quyền yêu và sống, như bất kỳ ai trên thế giới này. Đâu phải chỉ LGBT mới làm sai, nhưng vì sao khi LGBT làm sai thì người ta lại quy chụp thêm cả giới tính của họ nữa? Điều đó có bất công không? Có! Điều đó có sai trái không? Có! Và điều đó cho thấy những người thốt lên những lời thóa mạ đó, dù đang ở một thời đại cởi mở và văn minh, thì tâm hồn cũng tăm tối như vẫn đang ở trong hang đá tiền sử.
LILY