Tư duy phản biện: Là trắng, đen hay xám - vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này?

Tư duy phản biện: Là trắng, đen hay xám - vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này?
HHT - Bạn không cần phải có năng lực “xuất chúng” để có tư duy phản biện. Trái lại, đây là cách học tập, làm việc rất hiệu quả mà ai cũng cần và hoàn toàn có thể tự thực hiện.

Gần đây, một video clip trích đoạn một cuộc tranh biện của hai bạn học sinh cấp Ba về vấn đề Nhà trường có cần có nội quy không? đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Khác với quan niệm cũ rằng học sinh có những ý kiến trái chiều với nhà trường là “hỗn hào, ngỗ nghịch”, điều đáng mừng là mọi người hầu hết đều rất ngưỡng mộ, thích thú với những lập luận sắc sảo và bằng chứng rõ ràng của hai bạn đưa ra cho vấn đề. Điều này cho thấy tư duy phản biện đã được khuyến khích hơn ở nước mình hiện nay, đặc biệt là với các bạn trẻ. Vậy “tư duy phản biện” là gì và vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này?

Tư duy phản biện: Là trắng, đen hay xám - vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này? ảnh 1

Sức bật của sáng tạo

Bạn có thể hình dung về tư duy phản biện qua ví dụ sau: Chúng ta đặt lên bàn một cái bình nước và 10 người ngồi ở các góc khác nhau sẽ cùng miêu tả bình nước (bên trái, bên phải, ở trên, ở dưới…) với mục tiêu là phác họa nên hình ảnh cái bình nước 3D sống động và trung thực nhất. Nếu chỉ có một người ngồi ở một chỗ, bình nước chỉ đơn thuần là hình ảnh 2D thu được từ một góc hẹp thôi.

Việc sẵn sàng tiếp nhận thông tin nhiều chiều về cùng một vấn đề/ sự kiện, phân tích chúng giúp não bộ hoạt động mạnh mẽ, từ đó có tầm nhìn rộng, suy nghĩ sáng tạo. Đó là tiền đề để những ý tưởng, sản phẩm mới được ra đời . Đây cũng là lí do “tư duy phản biện” luôn là một phần thiết yếu trong tất cả hoạt động khoa học, xã hội và kinh tế, đặc biệt ở các nước phát triển.

Bạn không cần phải có năng lực “xuất chúng” để có tư duy phản biện. Trái lại, đây là cách học tập, làm việc rất hiệu quả mà ai cũng cần và hoàn toàn có thể tự thực hiện.

Bạn Dương Văn Nguyên (Học sinh Giỏi Quốc gia môn Lịch sử) chia sẻ phương pháp phát triển tư duy phản biện của mình: “Khi học Sử, thay vì chỉ học thuộc lòng và tin tưởng 100% những gì sách giáo khoa viết, mình đọc nhiều sách có những nhận định, bằng chứng khác nhau về một vấn đề, sau đó thảo luận thêm với thầy cô, bạn bè. Nhờ vậy, mình có thể hiểu nó một cách trọn vẹn, khách quan nhất có thể”.

Tư duy phản biện: Là trắng, đen hay xám - vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này? ảnh 2

Thành Lộc (du học sinh Mỹ) cũng chia sẻ khám phá tầm quan trọng của tư duy phản biện ở trường học Mỹ: “Các bài giảng ở Mỹ đòi hỏi sinh viên phải liên tục đưa ra luận điểm để đóng góp cho một vấn đề và bảo vệ luận điểm của mình bằng các bằng chứng khoa học. Ban đầu, tôi thấy rất choáng vì các bạn… cãi nhau kinh quá, nhưng sau này mới nhận ra, không có tranh luận thì mình không thể nhớ bài lâu được, vì không hề có bóng hình tư duy của mình trong từng câu chữ mình viết ra”.

Đúng và Sai

Chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa “tư duy phản biện” và “tranh cãi”, nhất là trên mạng xã hội. Ví dụ, trong đề thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, chủ đề “thấu cảm” đã trở thành đề tài cho hàng trăm ngàn bài viết, bình luận trên mạng, trong đó có những ý kiến có tính “phản biện” và nhiều ý kiến chỉ là “tranh cãi” dựa vào cảm tính. Cách để xác định một quan điểm có mang “tư duy phản biện” không dựa vào công thức C-R-E:

Argument (Lập luận) = Claim (Quan điểm của bạn) + Reason (Lý lẽ tại sao bạn lại nghĩ như vậy) + Evidence (Bằng chứng của bạn cho các quan điểm này).

Nếu chúng ta chỉ đơn thuần đưa ra quan điểm “Tôi thích”, “Tôi ghét” mà không có đầy đủ lí do và nhất là bằng chứng hợp lí để chứng minh cho quan điểm của mình, thì đó hoàn toàn là một quan điểm mang tính cảm xúc và không có nhiều giá trị. Điều này lí giải tại sao việc nghiên cứu, đào sâu vào một vấn đề trước khi đưa ra ý kiến là vô cùng quan trọng để giúp cho quan điểm của ta chắc chắn và logic hơn.

Tư duy phản biện: Là trắng, đen hay xám - vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này? ảnh 3

Bạn Như Hạnh (học viên của lớp Độc giả thông minh năm 2015) cho biết: “Trước đây, mình luôn tin vào những điều báo chí nói, hay những người nổi tiếng phát ngôn vì thấy họ có uy tín như vậy, hiển nhiên là đúng. Ngoài ra, mình cũng rất dễ vui buồn, hay bị cuốn theo việc bình luận, tranh cãi từ các dòng status của bạn bè trên Facebook. Tuy nhiên, khi bắt đầu áp dụng công thức C-R-E vào việc đọc thông tin, mình phân tích các ý kiến rõ ràng hơn và nhận ra rất nhiều phát ngôn chỉ dựa trên cảm xúc và bắt đầu hạn chế việc để cho những thông tin này chi phối bản thân”.

Như vậy, tư duy phản biện không chỉ giúp ta sáng tạo ra một điều mới mà còn có tác dụng giúp ta nhìn mọi thứ chính xác, công bằng hơn bằng lí trí và kiến thức của mình, thay vì chỉ bằng những cảm xúc nhất thời: “Tôi cảm thấy”, “tôi cho rằng”.

Thắng và Thua

Khi tranh luận, chúng ta thường có cảm giác một trong hai ý kiến đó phải là Đúng, và cái còn lại tất nhiên là Sai. Tuy nhiên, điều này có thật sự chính xác không? Khi nhìn lại hành trình đã qua của hàng loạt lĩnh vực, chúng ta nhận ra rằng không có đúng - sai trong các tư duy phản biện, tất cả đơn giản chỉ là sự thay thế các quan điểm để giúp con người hiểu rõ hơn một vấn đề.

Ví dụ, con người từng tin rằng Mặt Trời quay xung quanh Trái Đất, nhưng rồi sau đó, với các quan điểm phản biện không ngừng nghỉ của các nhà khoa học, người ta nhận ra rằng kì thực Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời. Quan điểm đầu tiên không hẳn là sai, mà chỉ đơn giản là nó được xây dựng chỉ bằng Niềm tin nên dễ sụp đổ, trong khi quan điểm thứ hai có những bằng chứng để chứng minh nó rõ ràng và thuyết phục hơn.

Tư duy phản biện: Là trắng, đen hay xám - vì sao nó lại được xem trọng trong thời đại này? ảnh 4

Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta hạn chế được việc quá cay cú hay thất vọng nếu chẳng may đuối lí hay “thua cuộc” trong một cuộc tranh luận nào đó. Nó cũng sẽ giúp ta giải thoát được tâm lí e dè, sợ sai khi đưa ra các ý tưởng mới hay tranh luận với người khác.

Thảo Vi (lớp 12, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) cho biết: “Trước đây, mình rất ngại tư duy, ngại đưa ra ý kiến vì nghĩ những chuyện như thế này là tranh cãi, dễ gây ra mất hòa khí trong lớp. Tuy nhiên, sau đó mình tìm hiểu về tư duy phản biện, tham gia vào một số nhóm thảo luận vấn đề theo cách thức này. Mọi người đều cởi mở, thoải mái với các ý kiến trái chiều và tiếp thu tất cả để đưa ra kết luận phù hợp nhất, mình thấy việc tư duy này vô cùng thú vị. Quan trọng nhất là thái độ của mình khi tranh luận. Nếu mình quá xem trọng thắng thua thì rất khó có được những kết quả tư duy tích cực, tạo ra được kết quả tốt!”.

ĐOÀN BẢO CHÂU

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm